Sinh viên Báo chí với những ý tưởng bảo vệ môi trường
Để biến trào lưu thành hành động, theo diễn giả Hoàng Quý Bình, sự vào cuộc của truyền thông là vô cùng quan trọng: “Truyền thông cần kiên trì, đều đặn, có những hoạt động, bài viết sâu sắc, gần gũi, không mang tính hằn học, trách móc. Làm sao để mọi người hiểu giá trị của sống xanh, chia sẻ những câu chuyện về cách sống đó và cùng nhau lan tỏa”.
Anh còn cho biết thêm: “Trong phòng của tôi luôn có một hộp giấy để đựng giấy vụn. Khi đầy, tôi sẽ không vứt đi mà “tặng” lại cho cô đồng nát. Tôi biết những giấy vụn đó sẽ được tái chế và có một “cuộc sống mới. Tại những bảng điện, tôi dán giấy ghi dòng chữ “Tắt khi không sử dụng” để nhắc nhở mình và người khác không lãng phí điện. Hạn chế đi xe máy, dùng cốc cá nhân hay cố gắng sử dụng túi giấy trong việc gói đồ… là những cách mà tôi làm để góp phần bảo vệ môi trường”.
“Đừng nghĩ đến những gì to tát, không có cách gì là tối ưu cả. Hãy cố gắng tận dụng những gì mà bạn đang có, hạn chế shopping và mua đồ mới. Càng đơn giản trong cách sống, bạn sẽ càng thải ít rác ra môi trường”, chàng trai 9x nhấn mạnh.
Đồng ý với chia sẻ của Hoàng Quý Bình, diễn giả Hoàng Thị Thoa bổ sung thêm: “Việc mua đồ ăn sẵn cũng khiến bạn thải rác ra nhiều hơn. Thay vào đó, hãy tự nấu ăn, học cách từ chối thêm túi nilon hay ống hút nhựa. Khi mua đồ, hãy mang túi hoặc hộp đi đựng; rút sạc nếu không dùng máy tính và đặc biệt là trồng nhiều cây xanh, vừa tốt cho sức khỏe, vừa có lợi cho môi trường”.
Có thể thấy, những hành động mà hai diễn giả đưa ra đều đơn giản, thiết thực, gần gũi nhưng để duy trì thành thói quan lại phải dựa vào ý thức của mỗi cá nhân. Sự tùy tiện, ngẫu hứng và không nghiêm túc khiến sống xanh trở nên khó thực hiện hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng, những hoạt động truyền thông của các bạn sinh viên đã góp phần tích cực lan tỏa lối sống xanh và nâng cao ý thức của mọi người về vấn đề này.
Đỗ Lan