Ngày mới ở Nông trường Sông Hậu
Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) được thành lập ngày 20/4/1979, trên cơ sở Nông trường Quyết Thắng của quân đội bàn giao cho địa phương. Gần 45 năm qua, từ vùng hoang lầy, trên đất ngập phèn lung, đìa, bưng với diện tích gần 7.000ha, nay đã trở thành Trung tâm sản xuất nông nghiệp tập trung công nghệ cao, với 3.142 hộ dân và 14.061 nhân khẩu. Đây là mô hình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp tập trung, công nghệ cao rất cần phát triển ngày càng hoàn chỉnh để nhân rộng.
Du khách trải nghiệm khu Sinh thái Sông Hậu Farm. |
Chạy song song là kênh KH6 dẫn nước trực tiếp từ sông Hậu, qua kênh Thơm Rơm vào tận ruộng vườn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là tuyến đường thủy độc đạo hình thành từ những ngày thành lập đưa hàng nông thủy sản của người dân ở nông trường đi tiêu thụ. Hệ thống thủy lợi của Nông trường sông Hậu đã hình thành lâu đời, có thể nói đây là một trong những hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, điển hình nhất cả nước vào những năm 1980.
Ông Bùi Công Hiền, Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ Nông trường Sông Hậu chia sẻ: “Từ những năm thành lập đến năm 1995, hệ thống kênh mương đã dần phát huy hiệu quả. Sau năm 1995 toàn bộ nông trường không bị ảnh hưởng bởi lũ, nông dân trồng từ lúa 1 vụ lên 2 vụ. Hơn 2.700 hộ nhận khoán canh tác trên nông trường, đời sống bà con nhờ thực hiện các mô hình kinh tế thích hợp nên ngày càng phát triển. Bên cạnh việc trồng lúa là chủ lực, hiện nay bà con phát triển nhiều cây ăn trái lâu năm, đạt hiệu quả cao, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương”.
Tháng 1/2004, toàn bộ diện tích đất và 100% dân số xã Thới Hưng là những hộ lao động nhận khoán đất của nông trường. Đến nay, Thới Hưng là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chiếm 90,22% tổng diện tích tự nhiên toàn xã; địa phương dựa vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng giai đoạn 2020 - 2030, tập trung vào thế mạnh phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn, Đảng bộ, chính quyền và người dân đã đưa Thới Hưng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu thứ 2 của huyện Cờ Đỏ. Với thế mạnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế tập thể, Thới Hưng chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội về “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”.
Canh tác khoai lang tại Nông trường Sông Hậu. |
Hiện Thới Hưng có diện tích vườn cây ăn quả trên 4.200 ha, chiếm trên 65% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã, với các loại cây chủ lực như: Xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan,...) gần 2.000 ha mãng cầu xiêm, trên 772 ha thanh nhãn, nhãn idor... cùng nhiều loại cây ăn trái khác. “Tôi đến đây từ năm 1995, nhận giao khoáng 2,5 HA như bao nông trường viên khác. Trước đây, tôi cũng trồng lúa nhưng thời gian sau này tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng khoai lang tím; cùng với đó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đạt được hiệu quả. Từ đó, đời sống của tôi cũng thoải mái hơn”, ông Trần Thanh Nhàn, ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ nói.
Hiện nay, cây nhãn trồng tại địa phương đã được nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản. Nhờ liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất trái nhãn phục vụ xuất khẩu, thời gian qua nhiều hộ dân trồng cây nhãn tại địa phương đã bán được với giá khá cao, với từ 45.000-80.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Với năng suất đạt bình quân 1,5 tấn trên một công và giá bán ở mức cao như trên, nông dân trồng nhãn có thể thu được lợi nhuận từ 25-60 triệu đồng mỗi công trong năm.
Du khách trải nghiệm tại khu Sinh thái Sông Hậu Farm. |
Ông Nguyễn Ngọc Cường, ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết: “Tôi đến đây cũng hơn 20 năm, trước đây gia đình cũng trồng lúa nhưng do gia lúa bấp bênh, nên hơn 9 năm nay tôi chuyển sang trồng cây ăn trái. Tôi thấy trồng nhãn cho năng suất cao và giá cả ổn định hơn. Nông trường giờ đây phát triển, xã hội cũng phát triển, nên từ đó đời sống của bà con tại địa phương cũng đi lên theo”.
Và để phát huy lợi thế của Nông trường Sông Hậu đang quản lý và sử dụng, đầu năm 2024 khu Sinh thái Sông Hậu Farm đã được đưa vào hoạt động. Dự án được đầu tư cải tạo đào ao, trồng trên 30 loại cây ăn trái bốn mùa quanh năm và thả các loại cá. Trồng các loại cây tạo cảnh quan, môi trường sinh thái để các loài chim, cò về trú ngụ, xây dựng các khu vui chơi dưới nước, khu nhà trung tâm phục vụ các sự kiện và cũng là khu ẩm thực chính, diện tích 1ha. Ngoài ra còn có khu lưu trú, khu nhà khách tập thể; khu trồng sen, khu thực hành sản xuất lúa truyền thống, khu vườn rau hữu cơ, khu vườn hoa, khu thương mại...
Việc đầu tư xây dựng Khu sinh thái Sông Hậu Farm nhằm khai thác tiềm năng du lịch về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa con người Cờ Đỏ để tạo chuyển biến mới, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điểm đặc trưng của Khu sinh thái Sông Hậu Farm là dù diện tích lớn nhưng hạn chế tối đa xây dựng bê tông, cốt thép mà thay vào đó là tre, nứa, lá để gần gũi với thiên nhiên. Ngoài diện tích cây ăn trái, ruộng lúa bao quanh còn có khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm, tầm vông, chim, cò, cá đồng… phục vụ nhu cầu muốn tìm nơi bình yên, gần gũi với thiên nhiên của du khách.
Bà Trần Như Điền, du khách đến từ Cà Mau vui vẻ cho biết: “Không gian tại đây rất tuyệt, từ vườn cây ăn trái, vườn hoa, các trải nghiệm trò chơi dưới nước…đã giúp tôi có thời gian thư giãn rât thoải mái sau những ngày làm việc. Khi về tôi sẽ giới thiệu đến bạn bè để họ có thể biết đến nơi đây.”
Một góc khu Du lịch sinh thái Sông Hậu Farm. |
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Diệp, Trưởng Ban quản lý khu Du lịch sinh thái Sông Hậu Farm, nơi đây không những là khu vui chơi, mà còn là điểm hạt nhân kết nối với bà con trong nông trường, vừa tạo công ăn việc làm, vừa là nơi tiêu thụ một phần nông sản, cùng với địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Bùi Công Hiền, Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ Nông trường Sông Hậu khẳng định: “Nông trường chuyển đổi sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, sau khi chuyển đổi, chúng tôi sẽ dễ tiếp cận với những nguồn vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, từ đó sẽ phát huy được những thế mạnh của nơi đây. Để vùng đất nông trường Sông Hậu như hôm nay, trở thành vùng đất lý tưởng để phát triển công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nơi đây cần được tiếp tục đầu tư, nâng cấp để phát triển các loại hình công nghiệp chế biến nông sản hàng hóa do chính nông trường đã xây dựng tại chỗ, khép kín từ sản xuất đến thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sạch, chất lượng mang thương hiệu”.
Với hướng đi hội nhập vừa phát triển kinh tế, Nông trường Sông Hậu giờ đây không chỉ phát triển du lịch, còn là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; góp phần tích cực xây dựng, quảng bá, giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp về môi trường và văn hóa địa phương. Vùng đất trũng phèn, vươn lên trở thành vùng nguyên liệu lớn, tập trung, tạo động lực để người dân địa phương cùng sản xuất và làm giàu trên mảnh đất quê hương.