Sơn La: Triển khai chiến lược quốc gia đa dạng sinh học đến năm 2030
Kế hoạch đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; tăng cường bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm; tăng cường bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050; củng cố hệ thống các di sản thiên nhiên, 5 khu bảo tồn thiên nhiên hiện có. Kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh; áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả tại các khu vực ngoài khu bảo tồn; khoanh nuôi tái sinh, phục hồi tự nhiên các hệ sinh thái bị suy thoái trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học. Thử nghiệm, từng bước áp dụng các mô hình đồng quản lý khu bảo tồn thiên nhiên ở những địa bàn phù hợp.
Đồng thời, chú trọng bảo tồn tại chỗ, nghiên cứu gây nuôi bảo tồn và tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý, bảo vệ các loài hoang dã di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh. Tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các tuyến di cư quan trọng của các loài hoang dã di cư.
Sơn La đặt ra nhiệm vụ xây dựng chương trình bảo tồn, sử dụng, phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các loài đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị KT-XH; Tiếp tục thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, ưu tiên trồng cây bản địa có giá trị bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng 14,2 triệu cây xanh.
Đặc biệt, tỉnh Sơn La sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước, phương thức khai thác, canh tác kém bền vững, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; Hạn chế tối đa, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, vùng đất ngập nước quan trọng, các lưu vực sông; Kiểm soát nạn khai thác, nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật; khai thác tận diệt các loài hoang dã, đặc biệt là các loài chim trong mùa di cư, loài thủy sản trong mùa sinh sản…
Sơn La: Triển khai chiến lược quốc gia đa dạng sinh học đến năm 2030 |
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, tỉnh Sơn La đã giao các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng chương trình truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Lồng ghép, thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Tăng cường hợp tác với tỉnh Yên Bái xây dựng các hành lang khu dự trữ thiên nhiên Mường La và Mù Cang Chải, đảm bảo sự thống nhất cùng phát triển, đặc biệt trong triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Qua đó, Sơn La hướng tới mục tiêu, đến năm 2030, các khu bảo tồn thiên nhiên thực hiện kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học theo bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc. Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, nhất là các loài nguy cấp quý, hiếm; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; các nguồn gen hoang dã, giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ, bảo tồn. 100% chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án đầu tư công lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học. Nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tự nguyện tham gia bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học.