Sử dụng thuốc nhỏ mắt atropin cần lưu ý gì?
Hiện thuốc atropine có dạng dung dịch, dạng thuốc mỡ để nhỏ mắt. Do tác dụng giãn đồng tử nên thuốc có tác dụng chống tắc dính đồng tử trong các bệnh lý có gây ra dính đồng tử như viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào. Dạng mỡ atropin 1% tra tác dụng như dạng nước nhỏ, thường tra vào buổi trưa và tối, được chỉ định khi cần kéo dài thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc mắt. Trong chuyên khoa mắt thuốc còn dùng soi bóng đồng tử để đo khúc xạ của mắt.
Dạng viên nén của thuốc được dùng trong các trường hợp: rối loạn bộ máy tiêu hóa, ức chế khả năng tiết acid dịch vị (trong loét dạ dày - hành tá tràng), giảm tình trạng co thắt đại tràng, giảm tiết dịch (hội chứng kích thích ruột), điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp hoặc mạn tính do tăng nhu động ruột và các rối loạn khác có co thắt cơ trơn như cơn đau co thắt đường mật, đường tiết niệu (cơn đau quặn thận), điều trị cơn co thắt phế quản, phòng say tàu, xe….
Dùng thuốc nhỏ mắt phải theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Khi dùng thuốc này cần lưu ý không sử dụng thuốc trong các trường hợp như phì đại tuyến tiền liệt (vì sẽ gây bí đái), liệt ruột hay hẹp môn vị, nhược cơ, glôcôm góc đóng hay góc hẹp (làm tăng nhãn áp và có thể thúc đẩy xuất hiện glôcôm). Ở trẻ em không dùng khi bị sốt cao.
Ở trẻ em và người cao tuổi dễ gặp các tác dụng không mong muốn của thuốc nên cần dùng thuốc cho các đối tượng này phải thận trọng. Dùng thuốc nhỏ mắt ở trẻ em có thể gây ra ngộ độc toàn thân. Khi dùng nhỏ mắt kéo dài có thể gây kích ứng tại chỗ, sung huyết, phù và viêm kết mạc.
Đối với người mang thai, atropin đi qua nhau thai (nhưng chưa xác định được nguy cơ độc đối với phôi và thai nhi) nên cần thận trọng dùng, nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ (vì có thể có tác dụng không mong muốn đối với thai nhi). Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với thuốc, cần tránh dùng kéo dài trong thời kỳ cho con bú.
Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc là người bệnh cảm thấy khô miệng, khó nuốt, khó phát âm, khát, sốt, giảm tiết dịch ở phế quản. Ở mắt có dấu hiệu giãn đồng tử, mất khả năng điều tiết của mắt, sợ ánh sáng. Một số dấu hiệu trên hệ tim mạch như chậm nhịp tim thoáng qua, sau đó là nhịp tim nhanh, trống ngực và loạn nhịp hoặc lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích (ở hệ thần kinh trung ương). Người bệnh cần biết các dấu hiệu trên của thuốc, nếu gặp phải cần bình tĩnh thông báo cho bác sĩ biết để xử trí (khi cần).
Theo DS Hoàng Thu - Sức khỏe & Đời sống