Tạo điều kiện cho các trang trại lợn đủ điều kiện được tái đàn
Ngày 13/2, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát.
Cục Thú y tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh; hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống và nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cục hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn lợn theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn để cung cấp các sản phẩm thịt lợn cho thị trường và bình ổn giá.
Ngành cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo 3 nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngành tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, cả nước đã tiêu hủy 18.246 con lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, hầu hết các địa phương với trên 95% số xã có dịch đã qua 30 ngày chưa tái phát. Đây là điều kiện cần thiết để tổ chức nuôi tái đàn lợn.
Cụ thể, tháng 1/2020, cả nước phải tiêu hủy 12.037 con, giảm 99% so với tháng 5/2019; từ đầu tháng 2 đến ngày 11/2 đã tiêu hủy 6.209 con. Hiện nay, có 348 xã thuộc 116 huyện của 33 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.
Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tính đến ngày 5/2, tổng đàn lợn cả nước thời điểm hiện tại là trên 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái.
Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5-7 tháng. Do đó, theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi, từ tháng 1/2020, thị trường đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn.
Dự báo sản phẩm của lợn nuôi tái đàn sẽ tăng cao từ tháng Hai và nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn, trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 11/2/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên cả nước với tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, tổng trọng lượng là 342.091 tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
Với các dịch bệnh khác trên lợn, hiện cả nước có 3 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra 3 tại tỉnh Tiền Giang, Quảng Ninh và Yên Bái chưa qua 21 ngày. Cả nước không có dịch bệnh tai xanh trên lợn.
Theo TTXVN