Tạo thuận lợi cho hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone
Tạo thuận lợi cho hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone |
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; việc sửa đổi này cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ Môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu với các biểu mẫu, quy trình chi tiết liên quan đến Nghị định.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự thảo Nghị định đã được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi và gửi xin ý kiến các cơ quan và địa phương. Trong tháng Năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp tham vấn ý kiến các tập đoàn, hội, hiệp hội. Bộ cũng gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hội, hiệp hội và một số doanh nghiệp.
Đến nay, đã có 70 ý kiến góp ý được gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.Nội dung góp ý vào dự thảo Nghị định, tập trung vào các nhóm vấn đề: Quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường carbon; Quy định về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; Quy định về tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon trong nước, trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon trong nước; Quy định về trao đổi tín chỉ carbon quốc tế; Quy định về bảo vệ tầng ozone. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, một số quốc gia, đối tác quốc tế đang tích cực hợp tác với Chính phủ Việt Nam để ký kết thỏa thuận trao đổi tín chỉ carbon, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, người dân trong nước tiếp cận công nghệ tiên tiến và nguồn tài chính khí hậu từ quốc tế. Từ đó đặt ra yêu cầu phải có các quy định pháp luật tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đăng ký dự án, cấp tín chỉ carbon cho dự án và chuyển giao tín chỉ carbon quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được một số kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế đề xuất bổ sung quy định cụ thể hơn về kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon, quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước. Một số kiến nghị điều chỉnh một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thực hiện các chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Căn cứ tình hình thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022NĐ-CP là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.