Thái Nguyên: Doanh nghiệp sàng tuyển quẳng sắt xả thải trực tiếp ra sông Cầu
Mới đây, Sức khỏe và Môi trường điện tử nhận được phản ánh của người dân xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết thời gian gần đây dưới chân cầu Cao Ngạn (bắc qua Sông Cầu, đoạn chạy quả địa phận xã Cao Ngạn) xuất hiện một xưởng sàng tuyển và chế biến quặng sắt gây ô nhiễm môi trường.
Khu vực xưởng sàng tuyển quặng sắt của công ty Hải Thành nằm ngay chân cầu Cao Ngạn.
Theo phản ánh của người dân, từ khi đi vào hoạt động, cơ sở sàng tuyển quẳng sắt này ngoài việc gây tiếng ồn inh tai nhức óc làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương thì còn xả thải trực tiếp ra môi trường nước, không khí mà không hề có biện pháp xử lý nào.
Có mặt tại khu vực chân cầu Cao Ngạn, chúng tôi không khó để có thể tìm thấy cơ sở sàng tuyển quặng sắt trên. Theo quan sát của phóng viên, thì khu vực sàng tuyển và chế biến quặng sắt nên trên, có rất nhiều dây chuyền sàng tuyển quặng sắt đang hoạt động. Bên cạnh này là hàng trăm tấn quặng sắt thô đã qua sàng tuyển được chất thành “núi”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biếtì xưởng sàng tuyển quặng sắt nằm dưới chân cầu Cao Ngạn là Công ty TNHH Hải Thành có địa chỉ tại Ngõ 153, tổ 9, Phường Phan Đình Phùng, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Cách các “núi” quặng này chưa đầy 50 m là một hồ chứa nước thải rộng chừng 200 m2. Hồ chứa này nằm ngay cạnh bãi chữa quặng sắt chỉ được đắp bằng đất cát một cách tạm bợ. Trên bờ hồ xuất hiện hàng chục vết vá víu là kết quả của những lần hồ chứa nước của xưởng sàng tuyển quặng sắt này bị vỡ. Cách bờ hồ không xa, đường ống dẫn nước thải nằm ngổn ngang. Nước thải từ hồ chứa được xả trực tiếp ra sông Cầu mà không hề qua bất cứ biện pháp xử lý nào.
Hồ chứa nước thải đắp bằng đất cát một cách tạm bợ.
Trên bờ hồ có nhiều vết “vá víu” dấu tích của những lần vỡ hồ.
Ngoài việc xả thải trực tiếp ra sông Cầu, thì trong quá trình sản xuất xưởng sàng tuyển quặng sắt này còn thải ra môi trường một lượng lớn khói bụi. “Khói bụi của xưởng sàng tuyển quặng sắt theo gió phát tán bay đi khắp nơi. Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân địa phương do phải sống chung với ô nhiễm thì khói bụi thải từ nhà máy cũng làm cho hàng loạt hoa màu bị héo quắt, lúa trồng không thể thu hoạch được, các cây ăn quả trong vườn không sống nổi”, anh H.T.T (38 tuổi), cho biết.
Còn theo bà N.T.L thì: “Hàng ngày, người dân ở đây phải hứng chịu các loại hóa chất, khí thải, tiếng gầm rú của các loại máy móc... nước thải chảy xuống sông Cầu làm cá chết nổi trên khúc sông này. Trong khi đó, sông Cầu là nguồn nước duy nhất được sử dụng để phục vụ công tác tưới tiêu cho hàng trăm hecta đất nông nghiệp tại địa phương”. Cũng theo bà L. phản ánh thì người dân đã phản ánh vấn đề trên đến chính quyền địa phương nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, thì nước bùn đỏ trong quá trình tuyển quặng sắt nói riêng, kim loại nói chung nếu bị rửa trôi sẽ gây ôi nhiễm nguồn nước ngầm, ao hồ, sông suối, làm chết cá, tôi và cả cây cối. Bùn đỏ cũng sẽ gây hại đến sức khỏe của những người từng tiếp xúc với chúng.
Bên cạnh xưởng sản xuất và chế biến quặng khoáng sản, trên địa bàn xã Cao Ngạn còn có nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần xi măng Cao ngạn, Công ty gạch Cao Ngạn... cũng đang xả thải trực tiếp ra môi trường mà chưa bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Nước thải từ hồ chứa của xường sàng tuyển quặng sắt đổ trực tiếp ra sông mà không hề qua bất cứ biện pháp xử lý nào.
Trước thực trạng trên, Sức khỏe và Môi trường điện tử kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ, kịp thời có giải pháp giải quyết, khắc phục ô nhiễm và xử lí nghiêm minh đúng pháp luật những vi phạm để trả lại môi trường sống cho người dân nơi đây tránh để lại những hệ lụy đáng tiếc. Khi ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm và thực sự lo ngại. Với Thái Nguyên, nơi từng là cái nôi của ngành công nghiệp nặng cả nước, đang sở hữu các khu vực công nghiệp ít thân thiện với môi trường như khai khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng…, thì bài toán bảo vệ môi trường đặt ra lại càng nặng nề.
Sức khỏe và Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề trên.
Đức Cường – Đinh Linh