Thẩm mỹ viện ADORA: Nhân viên tư vấn chẩn đoán chỉ định cho khách hàng thực hiện thủ thuật “hút mỡ”
Hàng loạt dấu hiệu sai phạm tại Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ADORA
Trong tháng 02/2023, PV đã có cuộc khảo sát các hoạt động khám chữa bệnh của những thẩm mỹ viện và phòng khám trên địa quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Cụ thể, tại Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ADORA, địa chỉ số 25 Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) phóng viên ghi nhận phòng khám nêu trên đang hoạt động với nhiều dấu hiệu vi phạm Luật Khám chữa bệnh.
Ngày 21/2/2023, theo thông tin quảng cáo trên website: vienthammyadora.vn (website của Công ty TNHH Thẩm mỹ ADORA) và trên trang mạng xã hội Facebook: https://www.facebook.com/adora.clinic, phòng khám chuyên khoa này cung cấp các dịch vụ như nâng cấp body, nâng ngực nội soi, trẻ hoá khuôn mặt...
Nhân viên Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ADORA trực tiếp tư vấn, thăm khám, chỉ định cho khách hàng hút mỡ như bác sĩ. Ảnh cắt từ video
Để được thăm khám, PV đã liên hệ đặt lịch làm dịch vụ và có mặt trực tiếp tại cơ sở 25 Bùi Thị Xuân. Tại đây, PV được các nhân viên tư vấn đưa lên khu vực tầng 2 tòa nhà số 25 Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Theo nhân viên Thẩm mỹ ADORA chẩn đoán, chỉ định sẽ hút mỡ vùng tay, nách, và cấy mỡ vùng mông có mức giá tổng 78.000.000 VNĐ.
Đáng chú ý, người chịu trách nhiệm chuyên môn Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ADORA không hề có mặt để thực hiện thăm khám cho khách hàng mà chỉ có các nhân viên trực tiếp thực hiện chẩn đoán, chỉ định cho khách hàng hút mỡ, nâng ngực,….
Cũng theo nhân viên này, các thủ thuật xâm lấn có mức độ nguy hiểm cao, khách hàng sau khi được chẩn đoán, chỉ định phẫu thuật thẩm mỹ các dịch vụ hút mỡ, nâng ngực sẽ được làm tại Bệnh viện Đa khoa Hà Thành, tại phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Còn với các thủ thuật như cắt mí, nâng mũi có thể thực hiện tại ngay cơ sở 25 Bùi Thị Xuân.
Chưa dừng lại ở đó, khi khách hàng đề nghị được bác sĩ tư vấn và chỉ định phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực thì đều bị từ chối. Lý do được đưa ra là khách hàng phải đăng ký và đặt cọc một khoản tiền. Ngoài ra, các bác sĩ được giới thiệu với những cái tên tiếng Anh mĩ miều như Doctor Năm, Doctor Alex, Doctor Henri... và bác sĩ của đơn vị được đào tạo từ nước ngoài nên có tên như vậy (theo nhân viên tư vấn Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ADORA cho hay).
Không những thế, ngay trên website vienthammyadora.vn, các nội dung quảng cáo đều thông tin “uy tín top 1 Việt Nam, địa chỉ uy tín hàng đầu Việt Nam, Top 1 từ Hàn Quốc”.... có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo.
Tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực tới sức khoẻ khách hàng vì sao vẫn “ung dung” hoạt động?
Để làm rõ thông tin những dấu hiệu vi phạm của Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ADORA số 25 Bùi Thị Xuân, PV Tạp chí Sức khoẻ và Môi trường đã đặt nội dung làm việc với Sở Y tế Hà Nội. Ngay sau đó, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 1219/SYT-QLHNYDTN ngày 24/03/2023 về việc kiểm tra hoạt động của Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Adora.
Theo nội dung công văn, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động của Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Aodra và trả lời phản ánh của Tạp chí Sức khoẻ và Môi trường. Tuy nhiên, cho đến thời diểm hiện tại thì UBND quận Hai Bà Trưng vẫn chưa có phản hồi chính thức nào tới Tạp chí Sức khoẻ và Môi trường.
Được biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, thay thế cho Chỉ thị số 10/CT-UBND thành phố ngày 2/5/2013.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chịu trách nhiệm rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp phép, bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sau cấp phép để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ, rủi ro như: Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm..., các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài.
UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các cơ sở dịch vụ y, dược ngoài công lập hoạt động không phép, sai phép, tuyệt đối không để tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép hoạt động. Tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề y, dược có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị Công an Thành phố phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở y, dược ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở có yếu tố nước ngoài.
Cụ thể, kiểm tra, giám sát hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh đối với người lao động nước ngoài hành nghề trong lĩnh vực y tế. Kịp thời điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Các hành vi bị cấm liên quan đến giấy phép hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh gồm: - Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động. - Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu. - Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động. - Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh. Mức phạt hành vi vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Được quy định tại Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể mức phạt vi phạm như sau: 6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; c) Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế; d) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh; đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; e) Điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này; b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 5 Điều này; c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này; |
Nhóm PV