Thanh Hóa: Bãi cát không phép xâm phạm hành lang đê điều
Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1241 ngày 20/04/2017 và Công văn số 2180 ngày 27/02/2019 về việc gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án bãi trung chuyển, tập trung kinh doanh cát tại bãi bồi sông Lạch Trường (thôn Cự, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa) của Công ty TNHH phát triển Thương mại và Tân Phát (Sau đây sẽ gọi là Công ty Tân Phát).
Cụ thể, các Văn bản Pháp luật trên cũng nêu rõ: Công ty chỉ được tập kết cát ven sông phục vụ cho việc kinh doanh cát, không được phép xây dựng công trình nhà ở, nhà kho tại bãi tập kết cát.
Thế nhưng, Công ty Tân Phát chưa hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất vẫn tự ý xây dựng công trình nhà ở kiên cố tại bãi tập kết cát nêu trên. Việc này có thể gây nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, sạt lở cũng như xói mòn các khu vực lân cận…
Ngày 22/04/2019 UBND huyện Hoằng Hóa đã có Thông báo số 576 về việc xử lý vi phạm đê điều tại xã Hoằng Minh, nhưng cho đến nay công trình xây dựng trái phép nêu trên vẫn chưa được xử lý, tháo dỡ.
Thông báo số 576.
Qua ghi nhận của PV, hiện tại Công ty Tân Phát đã cho xây dựng và hoàn thiện xong một nhà cấp 4, nhà tường xây gạch mái lợp tôn có kích thước 20 x 5,5 mét với chiều cao là 3,5 mét và tập kết cát ở bãi sông Lạch Trường với ước tính 400m2.
Sau khi phát hiện sự việc trên, UBND xã Hoằng Minh yêu cầu phía Công ty Tân Phát cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc tập kết cát và xây dựng nhưng phía Công ty này không cung cấp được bất cứ loại giấy tờ nào.
Mặc dù, UBND xã Hoằng Minh đã nhiều lần lập biên bản xử phạt đồng thời yêu cầu phía công ty dừng ngay việc tập kết cát và xây dựng trái phép nhưng phía công ty vẫn không nghiêm túc thực hiện.
Như vậy, Công ty Tân Phát tập kết cát và xây dựng trên bãi sông Lạch Trường khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã vi phạm khoản 10, điều 7 Luật Đê điều. Có hay không việc UBND xã Hoằng Minh buông lỏng trong việc quản lý để xảy ra tình trạng trên?
Công trình xây dựng trái quy định tại bãi cát không phép tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng đối với con người vào mùa mưa lũ.
Cần phải cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng không phép?
Đối với công trình xây dựng nhà ở không phép bên sông Lạch Trường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về lũ quét gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người cần có những chế tài nghiêm khắc buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm trên; không cho phép người dân được sinh sống và cần có những biện pháp xử lý triệt để mang tính răn đê.
Ông Vũ Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa cho hay: “Hiện tại phía Công ty Tân Phát chưa cung cấp được các giấy tờ hợp pháp trong việc tập kết cát tại vị trí trên. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu phía công ty mang các giấy tờ hợp lệ nhưng họ không hợp tác”.
Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhiều lần nhưng công trình xây dựng không phép trên vẫn ngang nhiên tồn tại.
Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Nguyễn Công Hiếu - Công ty Luật Techco thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:
Bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi (sau đây gọi là bến, bãi) được hiểu là địa điểm cụ thể để tập kết và tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi. Nếu địa điểm chưa được cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của cấp có thẩm quyền thì địa điểm đó chỉ đơn thuần là bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi. Việc sử dụng đất tại bãi tập kết phải tuân theo Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phệt duyệt.
Trong thời gian chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải giữ nguyên hiện trạng khu đất. Hành vi của Công ty Tân Phát là sử dụng đất khi chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất không đúng mục đích đã vi phạm quy định về sử dụng đất quy định tại Điều 9, Nghị định 102/2014/NĐ-CP.
Theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa thì đối với bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi chỉ được sử dụng cho việc tập kết vật liệu xây dựng, không xây dựng các công trình, nhà cửa trên bãi sông và không được đắp tôn cao bãi sông; chỉ được phép tập kết vật liệu xây dựng trong mùa khô (từ ngày 01/12 năm trước đến ngày 05/5 năm sau) trước mùa lũ hằng năm phải thanh thải hết vật liệu xây dựng còn tồn động ra khỏi phạm vi bãi tập kết, đảm bảo không cản trở đến việc tiêu, thoát lũ; bố trí hệ thống tiêu nước mặt hợp lý, đúng kỹ thuật tránh gây ứ đọng nước trên bãi làm gia tăng nguy cơ sạt lở bãi sông. Hành vi của Công ty Tân Phát đã vi phạm điều cấm quy định tại khoản 10 Điều 7 Luật Đê điều, thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 20 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định thì Công ty Tân Phát còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại nguyên trạng ban đầu trước khi có hành vi vi phạm.
Sức khoẻ và Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Sông Lô