Thanh Trì (Hà Nội): Dự án hơn 37 tỷ trở thành nơi tập kết, chôn lấp phế thải xây dựng
Thời gian qua, vấn đề bảo vệ môi trường của các dự án lớn đang được quan tâm, đặt lên hàng đầu. Bởi nếu môi trường bị ảnh hưởng thì cuộc sống, sức khỏe của người dân quanh khu vực dự án đó cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Toàn cảnh dự án hơn 37 tỷ trở thành nơi tập kết, chôn lấp phế thải xây dựng
Trong khi thực hiện Chuyên đề “Bảo vệ môi trường trong các dự án trên địa bàn TP. Hà Nội”. Mục đích của Chuyên đề nhằm phổ biến những chính sách, quy định về công tác quản lý đất đai, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng…bảo đảm khoa học, hợp lý, đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị và nông thôn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Chuyên đề cũng nhằm phát hiện những vướng mắc, chồng chéo và những hiện tượng tiêu cực trong quản lý sử dụng tài nguyên đất, tác động xấu đến môi trường cảnh quan, cuộc sống người dân, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ.
Từ nhiều phản ánh của người dân xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội về tình trạng dự án Cải tạo kè ao số 3 xã yên Mỹ đang trở thành nơi đổ phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt một các ngang nhiên và rầm rộ, tìm hiểu của PV tạp chí Sức khỏe và Môi trường được biết, dự án Cải tạo kè ao số 3 Yên Mỹ, Thanh Trì nằm tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì.
Ngày 8/12/2022, UBND huyện Thanh Trì – Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Thanh Trì ra Quyết định số 1244 QĐ-BQLDAĐTXD về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Xây lắp (thực hiện lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia) thuộc dự án: Cải tạo, kè ao số 3, xã Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội).
Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển thương mại Phú Thịnh Hưng – Công ty TNHH cây xanh đô thị. Giá trúng thầu 37.379.513.000 đồng, với hình thức hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện hợp đồng là 195 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Phế thải xây dựng được san lấp xuống đều được máy san gạt lên một lớp đất thịt
Dự án có số tiền đầu tư lớn như vậy nhưng thời gian qua, dự án đang là điểm đổ, tập kết phế thải xây dựng để chôn lấp, san gạt mặt bằng. Người dân nơi đây phản ánh, cứ từ đêm muộn đến sáng có rất nhiều xe tải trở đất, phế thải xây dựng ra vào công trình liên tục, trực tiếp đổ xuống lòng dự án. Khi đã lấp đủ dầy, họ tiến hành san lấp các phế thải xây dựng bằng lớp đất thịt nhằm che lấp các đống phế thải đã được đổ xuống.
Qua phản ánh, nhóm PV Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã thị sát tại dự án ngày 23/2/2023, tại đây máy múc, công nhân vẫn đang hoạt động bình thường. Công trình rộng lớn đang được tiến hành triển khai thi công, tuy nhiên điều dễ dàng nhận thấy, dưới lòng dự án này có hàng tấn phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt được đổ khắp công trường.
Cụ thể, một con đường dài hàng trăm mét được dựng lên bằng phế thải xây dựng, nhiều đống phế thải xây dựng đang được máy ủi, máy múc san gạt và che lấp bằng đất.
Bà N.T.T người dân sống sát công trình này cho biết: “Đây là dự án cải tạo ao, chúng tôi rất mong chờ công trình này sớm được hoàn thiện để tạo cảnh quan, phục vụ cuộc sống của người dân được trở nên tốt hơn. Nhưng tôi không hiểu được thời gian gần đây họ lại đổ phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt xuống lòng công trình rồi san lấp. Việc này không những ảnh hưởng đến môi trường mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình mà người dân xung quanh chúng tôi có thể cũng sẽ chịu ảnh hưởng theo”.
Một lượng lớn lớn đất thải, phế thải xây dựng được đổ về dự án suốt thời gian dài
Một công trình lớn với số tiền đầu tư khủng, nhưng vấn đề đảm bảo môi trường, chất lượng công trình lại không được đảm bảo, sử dụng vật liệu không đúng tiêu chuẩn để san gạt mặt bằng, có dấu hiệu đang làm sai lệch thiết kế,. Vấn đề này không những làm ảnh hưởng môi trường mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình.
Mang những phản ánh và ghi nhận thực tế của nhóm PV đến UBND huyện Thanh Trì để làm rõ và có những góc nhìn đa chiều từ sự việc trên, nhưng hơn 2 tuần trôi qua, chính quyền sở tại, đặc biệt chủ đầu tư dự án là Ban quản lý DAĐTXD huyện Thanh Trì cũng chỉ … im lặng.
Câu hỏi đặt ra là với một công trình trọng điểm với số vốn lên đến hơn 37 tỷ đồng lại đang dùng những vật liệu có nguồn gốc không rõ ràng (phế thải xây dựng) để đổ xuống công trình rồi san gạt che lấp liệu chính quyền địa phương có biết (?)
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có các biện pháp “mạnh tay” để xử lý tình trạng biến nơi cải tạo, kè ao làm nơi chôn lấp phế thải gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và cuộc sống của người dân.
Trong Chương V yêu cầu kỹ thuật đối với dự án Cải tạo kè ao số 3 xã Yên Mỹ về công tác đất có yêu cầu, trước khi tiến hành đào đất phải chuẩn bị chu đáo, đủ điều kiện an toàn ở mặt bằng, phải cắm những biển báo những nơi nguy hiểm, thi công ban đêm phải đủ ánh sáng, quy định rõ ràng những tín hiệu, đèn hiệu, dọn sạch những chướng ngại vật có trên mặt bằng. Cây cỏ được phát quang, lớp đất hữu cơ phải bóc và rác thải được dọn sạch rồi vận chuyển ra bãi |
Quốc Trường - Đức Vũ