Thế giới cần xem xét phục hồi xanh từ khủng hoảng Covid-19
Lá thư yêu cầu các giám đốc y tế và trưởng cố vấn khoa học của các nhà lãnh đạo G20 phải trực tiếp tham gia thiết kế các gói kích thích kinh tế đang được tiến hành, để bảo đảm cân nhắc về các vấn đề sức khỏe cộng đồng và môi trường. Theo họ, cần tăng cường các hệ thống y tế công cộng. Và họ cũng cảnh báo về sự suy thoái môi trường có thể gây ra các dịch bệnh trong tương lai.
Các bên gửi thư cũng muốn các chính phủ thực hiện những cải cách lớn đối với các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch hiện nay, chuyển phần lớn sang sản xuất năng lượng tái tạo sạch. Như thế, không khí của chúng ta sẽ sạch hơn và khí thải giảm mạnh, tạo ra sự phục hồi kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gần 100 nghìn tỷ USD trong ba thập kỷ tới.
Trong thư, các chuyên gia y tế liên hệ giữa ô nhiễm không khí, hệ thống y tế công cộng mong manh với tác động của virus SARS-CoV-2, và cho rằng ô nhiễm không khí đã làm suy yếu cơ thể chúng ta, làm trầm trọng thêm tác động của căn bệnh này. “Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt những cộng đồng dân cư mong manh đến thế nào khi sức khỏe, an ninh lương thực và tự do làm việc của họ bị gián đoạn bởi một mối đe dọa chung. Các lớp của thảm kịch đang diễn ra và chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi sự bất bình đẳng và kém đầu tư của các hệ thống y tế công cộng. Chúng tôi đã chứng kiến cái chết, bệnh tật và suy sụp tinh thần ở mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ”, lá thư viết.
Theo bức thư, việc chuẩn bị tốt hơn có thể đã làm giảm các tác động từ đại dịch Covid-19. Chúng ta phải học hỏi từ những sai lầm này và trở lại mạnh mẽ hơn, khỏe mạnh hơn và kiên cường hơn.
Các nghiên cứu cho rằng ô nhiễm không khí có thể đóng vai trò làm các triệu chứng Covid-19 trầm trọng hơn hoặc làm tăng tỷ lệ tử vong, mặc dù các nhà khoa học cũng cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận cứng rắn về các tác động đầy đủ. Tuy nhiên, khi các hoạt động công nghiệp lại tiếp tục mà không có biện pháp bảo vệ mới thì bầu không khí trong lành đã có được trong thời gian phong tỏa, giãn cách vì dịch bệnh ở nhiều quốc gia đang bị đe dọa.
Tuần trước, một nghiên cứu toàn diện cho thấy lượng khí thải carbon dioxide hàng ngày trên khắp thế giới đã giảm khoảng 17% do giãn cách xã hội, và nếu hoạt động bình thường trở lại, sẽ chỉ giảm khoảng 4% trong cả năm so với năm ngoái.
Một số quốc gia đang xem xét phục hồi xanh từ khủng hoảng Covid-19 bằng cách thêm các điều kiện nghiêm khắc vào bất kỳ gói cứu trợ nào cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như hàng không, và bằng cách bơm tiền vào cơ sở hạ tầng làm giảm khí thải nhà kính như phát triển băng thông rộng để làm việc từ xa, xây dựng các làn đường và điểm sạc tốt hơn cho xe điện. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Oxford cho thấy điều này sẽ mang lại nhiều việc làm hơn và lợi tức đầu tư công tốt hơn so với việc trở lại kinh doanh như bình thường.
Ông Miguel Jorge, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới cho biết: “Các chuyên gia y tế đang ở tuyến đầu của tình trạng khẩn cấp do đại dịch Covid-19 và chúng tôi đang chứng kiến sự mất mát to lớn của cuộc sống vì hành động quá muộn. Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta biết rằng, cuộc sống khỏe mạnh phụ thuộc vào một hành tinh khỏe mạnh. Trên con đường phục hồi, chúng ta cần xây dựng một hệ thống sẽ bảo vệ chúng ta khỏi thiệt hại hơn nữa. Chúng ta cần một sự phục hồi khỏe mạnh và xanh”.
Các chuyên gia y tế lo ngại rằng thế giới sẽ tiếp tục các hoạt động không lành mạnh khi các tác động tức thời của Covid-19 giảm dần, mà không học được những bài học cần thiết để đưa chúng ta đi trên con đường lành mạnh hơn, giúp giảm khả năng xảy ra đại dịch tàn khốc như vậy trong tương lai, cũng như giảm bệnh tật từ các nguyên nhân khác và ngăn chặn sự cố khí hậu.
Chủ tịch Hội đồng Điều dưỡng quốc tế Annette Kennedy nói: “Biến đổi khí hậu có thể là mối đe dọa nghiêm trọng, nhãn tiền đối với sức khỏe của dân số thế giới. Chúng tôi đang kêu gọi các chính phủ bảo đảm rằng mức độ ô nhiễm không trở lại mức trước đó, để con cháu chúng ta có thể lớn lên khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu dễ sống và bền vững. Chỉ bằng cách đầu tư vào cả chăm sóc sức khỏe và môi trường, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai bền vững”.
L.Đ