Thi thiết kế thời trang tái chế, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
Sân chơi sáng tạo này khá hấp dẫn các em, mặc dù mục đích có vẻ rất nghiêm túc là nâng cao khả năng nhận thức của học sinh về việc bảo vệ môi trường.Tổ chức “Cuộc thi thời trang tái chế Métamorphose” là Đội thanh niên tình nguyện trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều (Hà Nội).
Em Nguyễn Công Toàn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, “Métamorphose” trong tiếng Pháp có nghĩa là sự biến hóa, biến chuyển từ dạng này sang dạng khác. Lấy tên này, Đội thanh niên tình nguyện muốn nói đến quá trình biến hóa từ rác thải, những vật tưởng chừng như bỏ đi, lại được tái sử dụng dưới một hình thái mới, những bộ trang phục, quần áo mới. "Cuộc thi không chỉ tạo ra các sản phẩm thời trang mang ý nghĩa to lớn về môi trường, mà còn tạo cơ hội cho các bạn học sinh được thể hiện cá tính của mình qua các sản phẩm thời trang được làm từ vật liệu tái chế", em Toàn nói.
10 bộ váy trong bộ sưu tập thời trang Meslamorphose đã được các em học sinh trong trường biểu diễn.
Cô Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh phát biểu tại cuộc thi |
Cô Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh nhận định, ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người. Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ rác thải. Việc tổ chức cuộc thi thời trang tái chế chính là cách nhà trường đưa nội dung giáo dục môi trường đến với học sinh, thông qua hoạt động trải nghiệm thực tiễn. “Cuộc thi thời trang tái chế Métamorphose là dịp để các em học sinh tìm hiểu kiến thức về môi trường, thông qua những sáng kiến và sản phẩm bằng chất liệu tái chế, từ đó nói lên trách nhiệm cùa mình đối với môi trường sống”, cô Liên Na bày tỏ.
Ngoài kiến thức về môi trường, cuộc thi còn đem lại cho học sinh kỹ năng hữu ích như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo và tư duy nghệ thuật, kỹ năng thủ công qua cắt may, lắp ráp vật liệu... Theo cô Văn Liên Na, điều quan trọng nhất khi hiểu rõ về tác hại rác thải với môi trường, học sinh sẽ hình thành kỹ năng sống xanh, từ đó có những lan toả tích cực đến đến gia đình, xã hội.
Lần đầu tiên tham gia và tự tay thiết kế bộ trang phục tái chế, em Đinh Ngọc Minh và Đỗ Thị Phương Thảo, học sinh khối 12 hiểu rằng, rác thải không chỉ gây hại đến sức khỏe của con người mà còn phá hoại môi trường sống của các loài sinh vật. Cùng với đó là hi vọng mang đến sự tái sinh ngoạn mục cho những tác nhân gây hại ấy, Ngọc Minh và Phương Thảo đã cùng biến chúng trở thành tác phẩm thời trang mang công dụng mới, giá trị mới cho cộng đồng.
"Tái chế rác không chỉ thoả mãn mục đích bảo vệ môi trường mà còn mang lại giá trị thiết thực cho con người. Đây là hoạt động giúp chúng em ý thức hơn về vấn đề bảo vệ môi trường sống của chính mình”, Ngọc Minh, Phương Thảo hi vọng các bạn học sinh trong trường nói riêng và cộng đồng sẽ cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ trái đất từ những việc làm nhỏ nhất.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải cho 3 trang phục thiết kế xuất sắc nhất.
Giải nhất thuộc về "Dạ vũ" |
Giải nhất thuộc về "Dạ vũ", thiết kế tái hiện lại thời kỳ hoàng kim của báo giấy Việt Nam những năm 2000 kết hợp cùng đường nét từ những bộ váy dạ hội phương Tây cổ xưa. Bộ váy là sự pha trộn hài hòa thuần túy của văn hóa phương Đông và phương Tây, được làm thủ công với những vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường như báo cũ, giấy đề kiểm tra đã qua sử dụng cùng với đó là những công cụ quen thuộc như keo dán, băng dính…
"Genesis - Sự khởi đầu" - thiết kế đạt giải nhì |
"Genesis - Sự khởi đầu", thiết kế đạt giải nhì chung cuộc. Trang phục độc đáo được thiết kế từ nilon, giấy báo, biến những rác thải gây hại ấy thành tác phẩm mang công dụng mới, giá trị mới cho cộng đồng.
Giải ba thuộc về thiết kế "La Vie en rose" |
Giải ba thuộc về thiết kế "La Vie en rose" lấy cảm hứng từ loài hoa hồng kiêu sa, quyến rũ kết hợp với tone màu hồng tươi sáng, ngọt ngào cùng phong cách ballet core cổ điển. Với nguồn nguyên liệu chính đến từ giấy báo đã qua sử dụng, những vật liệu cũ tưởng chừng như bỏ đi được xử lý một cách khéo léo, sáng tạo, từ đó thiết kế ra bộ trang phục đầy tinh tế, giúp tôn vinh nét đẹp mềm mại, duyên dáng của người phụ nữ.
Dưới bàn tay khéo léo học sinh, những tờ giấy báo, nilon, vải vụn... đã được thiết kế thành những bộ trang phục tái chế đầy ấn tượng và độc đáo.
Mỗi bộ trang phục là một câu chuyện riêng, nhưng đều thể hiện thông điệp về tình yêu, trách nhiệm bảo vệ môi trường.