Tích cực chung tay xử lý ô nhiễm môi trường
Mở đầu cuộc trò chuyện, trao đổi về mối quan hệ giữa sản xuất vật liệu mới và môi trường, kỹ sư Bùi Công Khê - Giám đốc Trung tâm vật liệu cho biết: Môi trường có vai trò rất lớn đối với sản xuất cũng như sinh hoạt của con người. Không có hoạt động sản xuất, sinh hoạt nào của con người lại diễn ra tách biệt với môi trường cả. Trong thời đại ngày nay, tiêu chí phân biệt vật liệu mới và vật liệu cũ chính là tính hiệu quả và độ thân thiện với môi trường. Vì vậy ngay từ khi thành lập, Trung tâm Vật liệu mới đã đặt tính an toàn môi trường là một trong những yêu cầu cơ bản khi nghiên cứu sản xuất vật liệu mới. Chính vì vậy, Trung tâm đã và đang có những hoạt động tích cực để chung tay xử lý vấn đề môi trường. Minh chứng cho vấn đề này, Kỹ sư Bùi Công Khê đề cập sâu hơn: Để phục vụ cho chương trình phát triển bền vững của Thủ đô, Trung tâm hiện đang triển khai hai dự án nằm trong lĩnh vực y tế, ứng dụng cho các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội:
Dự án thứ nhất là nghiên cứu và triển khai dự án môi trường sạch cho bệnh viện các cấp tại Thành phố Hà Nội. Mục tiêu của dự án là xây dựng một môi trường sạch trong bệnh viện, trong đó gồm các mặt giảm thiểu các vi khuẩn dịch bệnh lây lan trong môi trường bệnh viện, khử trùng triệt để các dụng cụ y tế, khử mùi đặc trưng của bệnh viện bằng công nghệ kích hoạt vi sinh; Xử lý rác thải bệnh viện bằng công nghệ không đốt; Xử lý triệt để nước thải bệnh viện nhờ bột kích hoạt vi sinh và khử trùng bằng hợp chất Polyme diệt khuẩn AD (công nghệ ngoại nhập) và kích hoạt Bioaktiv - Eco với giá thành phù hợp. Nội dung thực hiện dự án bao gồm: Khử trùng dụng cụ y tế của toàn bộ bệnh viện, nhất là khu vực bệnh truyền nhiễm bằng chất Polyme diệt khuẩn AD, khử mùi khu vệ sinh bằng bột kích hoạt vi sinh - sản phẩm công nghệ cao từ Liên bang Đức; Xử lý rác thải bệnh viện bằng cách phân loại từ nguồn và khử chất hữu cơ bám dính lẫn trong rác nhờ hoạt chất kích hoạt vi sinh, sau đó khử trùng bằng chất diệt khuẩn Polyme diệt khuẩn AD; rác thải bệnh viện thành rác sạch hoàn toàn không còn các vi khuẩn gây bệnh và truyền nhiễm; Xử lý triệt để nước thải bệnh viện nhờ các hoạt chất kích hoạt vi sinh và diệt khuẩn Polyme diệt khuẩn AD để nước đạt quy chuẩn Việt Nam thải ra môi trường.
Dự án thứ hai là dự án triển khai chế tạo và chuyển giao kỹ thuật ứng dụng các dụng cụ phẫu thuật và các sản phẩm cacbon y sinh cho bệnh viện quận, huyện Thành phố Hà Nội. Dự án mang mục tiêu đưa kỹ thuật mới ứng dụng các sản phẩm cacbon y sinh vào các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện, thị xã của Hà Nội, đạt trình độ ứng dụng như các bệnh viện lớn tuyến Trung ương; Nâng cao tiềm lực khoa học trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình (CTCH), phẫu thuật thần kinh (PTTK), chữa bỏng và các loại vết thương; Phục vụ cho bệnh nhân với chi phí thấp, hiệu quả y học cao. Nội dung của dự án là khảo sát tình hình thực tế các bệnh viện đa khoa quận, huyện, thị xã trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết; Chuyển giao kỹ thuật ứng dụng các sản phẩm cacbon y sinh trong các lĩnh vực CTCH, PTTK, ngoại chung; Tiến hành tập huấn ứng dụng lâm sàng cho các bác sỹ chuyên nghành về sử dụng nẹp kết hợp xương C - PEEK trong CTCH, vá trám khuyết hồng sọ trong PTTK và sử dụng băng cacbon chữa bỏng, vết thương trong Ngoại chung.
Kỹ sư BÙI CÔNG KHÊ - Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới - Liên Hiệp các hội KHKT Hà Nội
Để bảo đảm thành công của dự án, trước khi bắt tay thực hiện, Trung tâm đã khảo sát và xem xét rất kĩ lưỡng điều kiện thực tế. Trên cơ sở Việt Nam vẫn còn là nước đang phát triển, ngân sách quốc gia còn hạn chế nên kinh phí dành cho y tế cũng có hạn, do vậy mong muốn của các đơn vị cơ sở là áp dụng công nghệ mới hiệu quả cao, song chi phí hợp lý. Từ nhận thức và thực tế đó, Trung tâm đã tổ chức xây dựng dự án, tìm hiểu, nghiên cứu thử nghiệm từng bước cụ thể chi tiết các nguồn vật liệu mới đảm bảo tiêu chí hiệu quả, giá thành phù hợp mà vẫn đáp ứng được yêu cầu thân thiện với môi trường. Mong muốn của Giám đốc - Kỹ sư Bùi Công Khê và các nhà khoa học của Trung tâm Vật liệu mới là những công trình, những thành quả nghiên cứu được tạo điều kiện để áp dụng nhiều hơn trong thực tiễn cuộc sống và sản xuất.
Đức Chính
theo môi trường xanh