Trái phiếu xanh Green Bonds
Trái phiếu xanh (Green Bonds) là phương tiện huy động vốn tư nhân. Đặc điểm chính của trái phiếu xanh là nguồn vốn huy động sẽ chỉ được sử dụng cho các mục tiêu "xanh", chẳng hạn như xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió, hay cải thiện hạ tầng giao thông xanh.
Việc phát hành trái phiếu xanh ngày càng phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt là khi các doanh nghiệp và chính phủ cố gắng đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.
Theo ước tính của tổ chức năng lượng quốc tế, để giảm một nửa lượng khí thải trên toàn cầu đến 2050, cần khoảng 40.000 tỷ USD mỗi năm cho đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Tại Việt Nam, dự kiến cần 21,2 tỷ USD trong 10 năm tới để hướng đến mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào 2050.
Đối mặt với nguy cơ về biến đổi khí hậu, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-21), Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó, trong đó có phát hành trái phiếu xanh. Hình thức này cung cấp vốn cho các doanh nghiệp đầu tư xanh, thúc đẩy ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng xanh hóa và hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nghị định 163/2018 do Chính phủ phát hành được coi là khung pháp lý đầu tiên cho trái phiếu xanh doanh nghiệp tại Việt Nam. Nội dung nghị định đề ra các cơ chế, chính sách phân phối thị trường trái phiếu xanh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành huy động vốn thực hiện dự án xanh thông qua hình thức trái phiếu.
Trong Luật bảo vệ Môi trường 2020 chính thức công nhận trái phiếu xanh như một công cụ kinh tế quan trọng đối với bảo vệ môi trường.
Các loại trái phiếu xanh
Trái phiếu xanh bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó có:
Trái phiếu khí hậu (Climate Bonds): Đây là trái phiếu được phát hành để tài trợ cho các dự án có tác động tích cực đến biến đổi khí hậu, như năng lượng tái tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng chống ngập lụt và giảm phát thải khí nhà kính.
Trái phiếu môi trường (Environmental Bonds): Trái phiếu này được phát hành để tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường như bảo tồn hệ sinh thái, xử lý nước thải và quản lý chất thải.
Trái phiếu bền vững (Sustainable Bonds): Đây là trái phiếu kết hợp giữa các yếu tố môi trường và xã hội, tài trợ cho các dự án có lợi cho cả môi trường và xã hội, như phát triển bền vững, giáo dục và y tế.
Trái phiếu năng lượng tái tạo (Renewable Energy Bonds): Trái phiếu này được phát hành để tài trợ cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió và năng lượng sinh khối.
Trái phiếu xanh đô thị (Green Municipal Bonds): Đây là trái phiếu phát hành bởi các chính quyền địa phương để tài trợ cho các dự án xanh, như cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng và phát triển không gian xanh trong đô thị.
Nếu phân loại theo nhà phát hành, trái phiếu xanh có ba loại: trái phiếu doanh nghiệp xanh, trái phiếu chính phủ xanh và trái phiếu chính quyền địa phương xanh.
Thị trường trái phiếu xanh
Thế giới
Thị trường trái phiếu xanh toàn cầu đã phát triển nhanh chóng kể từ khi lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành vào năm 2007 bởi Ngân hàng Thế giới.
Theo số liệu của Climate Bonds Initiative (CBI), tổng giá trị trái phiếu xanh toàn cầu đã vượt mốc 1.000 tỷ USD từ năm 2021. Trái phiếu xanh chiếm một phần ngày càng lớn trong các công cụ tài chính bền vững. Các ngành như năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, quản lý nước, xây dựng bền vững là những lĩnh vực thu hút phần lớn vốn từ trái phiếu xanh.
Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường dẫn đầu về phát hành trái phiếu xanh. Trong đó, châu Âu là khu vực dẫn đầu về phát hành trái phiếu xanh toàn cầu. Tính đến cuối năm 2022, châu Âu chiếm khoảng 45-50% tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh trên thế giới.
Mỹ là một trong những thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai sau Châu Âu. Theo CBI, vào cuối năm 2022, Mỹ chiếm khoảng 15-20% tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh toàn cầu. Các tập đoàn và các bang của Mỹ phát hành trái phiếu xanh cho các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và quản lý tài nguyên nước.
Trung Quốc đứng thứ ba trên toàn cầu về phát hành trái phiếu xanh, chiếm khoảng 12-15% tổng giá trị toàn cầu tính đến năm 2022.
Việt Nam
Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển sơ khai so với các nước phát triển. Tính đến năm 2023, tổng giá trị trái phiếu xanh được phát hành tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá trị trái phiếu xanh đã phát hành đạt khoảng 284 triệu USD.
Phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng bền vững tại Việt Nam.
Theo Báo cáo Cơ hội đầu tư khí hậu của IFC, giai đoạn 2016-2030, Việt Nam có thể thu hút được khoảng 753 tỷ USD đầu tư cho trái phiếu khí hậu. Đầu tư cho năng lượng tái tạo có thể thu hút được 59 tỷ USD, trong đó hơn một nửa (31 tỷ USD) là vào các dự án năng lượng mặt trời và 19 tỷ USD cho các dự án thủy điện nhỏ. Khoảng 80 tỷ USD sẽ đầu tư vào lĩnh vực công trình xanh.
Quy trình phát hành trái phiếu xanh
Quy trình phát hành trái phiếu xanh tương tự với quy trình phát hành trái phiếu truyền thống nhưng có thêm các yêu cầu đặc thù về tính minh bạch, giám sát và báo cáo liên quan đến dự án môi trường.
Các thủ tục phát hành trái phiếu xanh không có sự khác biệt đáng kể tùy thuộc vào bản chất của tổ chức phát hành hoặc loại trái phiếu và các nhà đầu tư.
Bước đầu tiên trong đợt phát hành trái phiếu xanh là chuẩn bị "Khung về trái phiếu xanh". Đây là tài liệu thảo luận cách các quy trình nội bộ của tổ chức phát hành đáp ứng các tiêu chí hợp lệ của trái phiếu xanh được công nhận rộng rãi.
Điều quan trọng là tổ chức phát hành phải xác định rõ ràng các dự án và tài sản cơ sở phải thuộc các danh mục "Xanh" để đủ điều kiện đưa vào trái phiếu.