Triệu chứng xuất huyết của trẻ và những cảnh báo nguy hiểm
Triệu chứng sốt xuất huyết của trẻ
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp vi rút khác nhau. Còn khi đã mắc một tuýp như D1 thì sẽ miễn dịch với nó suốt đời. Những lần mắc sau xu hướng thường nặng hơn lần mắc trước.
TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue khởi phát là sốt cao đột ngột, liên tục ≥ 38,5oC; kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, chán ăn buồn nôn, đầy bụng và khó tiêu…. Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường hay bệnh sốt phát ban nên dễ bị bỏ qua.
Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 – 48h; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.
Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít. Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng.
Giai đoạn hồi phục thường diễn ra từ 24-48h sau giai đoạn nguy hiểm khi có hiện tượng tái hấp thu dần từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch máu. Giai đoạn hồi phục kéo dài khoảng từ 48-72h sau đó. Người bệnh hết sốt, thể trạng được tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định và bắt đầu đi tiểu nhiều. Bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này cần thận trọng vì nếu truyền dịch không kiểm soát, truyền dịch quá mức có thể gây nên phù phổi hoặc suy tim.
Ảnh minh họa
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang sốt xuất huyết nặng không lường trước được. Vì vậy, ngành y tế cùng phối hợp với cộng đồng người dân thực hiện công tác giám sát, phòng chống bệnh một cách chặt chẽ.
Ngoài ra, với dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu sau: Trẻ mệt, quấy khóc, lừ đừ, vật vã, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Trẻ buồn nôn và nôn, đau bụng, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ), tiểu ít, đi ngoài phân đen.
Theo điều dưỡng viên Trần Thị Ngọc – Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung Ương tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị SXH phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi.
Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 -6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật. Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Cho trẻ uống nhiều nước: Nước Oresol, nước lọc, nước cam, nước dừa…Cho trẻ ăn thức ăn mềm, cân đối về dinh dưỡng, thức ăn giàu vitamin: Rau, nước quả ép, hông cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu, tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
Một số biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ em ở nhà
- Không cho trẻ hoạt động ở nơi có môi trường tối tăm, ẩm thấp, ao tù nước đọng.
- Nên buông màn khi ngủ cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi
- Dùng 1 số biện pháp diệt muỗi như: sử dụng bình xịt, thắp nhang muỗi, phun thuốc chống muỗi…
- Đậy kín các nơi có nước như lu, vại… đây là nơi giúp muỗi có điều kiện sinh sản và phát triển
- Phát quang bụi râm
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát
Bảo Ngọc