Từ “điểm nóng” Covid miền Tây - Bài 2: Cuộc đua xét nghiệm
(SK&MT)- Từ ổ dịch Cái Bè, cuối tuần qua vợ chồng anh Tư đã về tới quê nhà, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) - điểm nóng Covid-19 nhất miền Tây, số ca nhiễm đã gần 700 người và sau khi khai báo y tế thì chị Tư bị liệt vào diện F2…
=> Tây Đô nỗ lực phòng thủ chờ vắc-xin
100 cán bộ, sinh viên Trường đại học Y dược Cần Thơ chi viện cùng ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đang tiến hành xét nghiệm cho 32.000 công nhân trong KCN Hòa Phú để nhận diện các chuỗi lây nhiễm. (A;CTV).
Thấp thỏm, bức xúc...
Những tưởng đã bị liệt vào diện F2, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, thì chị Tư lập tức được lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc để có biện pháp cách ly tập trung điều trị hoặc cách ly tại nhà theo dõi, song cán bộ y tế xã chỉ khuyên chị về nhà tự cách ly, theo dõi “việc xét nghiệm thì… chưa cần thiết”.
Trong khi đó, dù ông chủ nhà thuốc bị F1, đã xác định âm tính, vẫn đang phải cách ly, theo dõi và nơi làm việc của nữ công nhân F0 - Công ty TNHH Tỷ Xuân, đã bùng phát thành ổ dịch lớn trong KCN Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Mấy ngày qua đã phát hiện hơn 150 người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, hàng ngàn F1, F2… Ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đang tập trung lực lượng, với sự chi viện 100 cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 22.000 công nhân tại Công ty này, sau đó sẽ mở rộng xét nghiệm cho 10.000 công nhân của các doanh nghiệp lân cận.
“Phải xét nghiệm nếu nhiễm thì điều trị, không thì mới yên tâm làm ăn. Không thì cứ thấp thỏm vầy hoài, rồi nằm nhà chờ… chết đói à!”, chị Tư bức xúc. Anh Tư hối hả chở vợ lên bệnh viện huyện tìm nơi xét nghiệm nhưng trong, ngoài vắng hoe, hỏi ra mới biết “ở đây chỉ xét nghiệm cho bệnh nhân nhập viện cấp cứu”. Chạy tiếp lên BVĐK TP.Sa Đéc cũng chỉ lòng vòng ngoài hàng rào căng dây phong tỏa, không gặp được ai để hỏi, anh Tư đành chở vợ quay về, lòng như lửa đốt.
Tìm trạm kiểm soát dịch để test nhanh lại chẳng biết ở đâu có làm. Trước đó, ngày 8/7, các tỉnh đồng loạt đòi người vô địa bàn phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, nhiều tài xế không có giấy đều phải quay đầu. Chỉ có trạm kiểm soát QLN2 (thuộc huyện Tháp Mười) hỗ trợ test nhanh cho tài xế nhưng gồng được 2 bữa, vì lực lượng quá mỏng, người có nhu cầu lại quá đông và bộ kis để test nhanh kháng nguyên cũng hết.
Dò hỏi một doanh nghiệp ở xã Tân Nhuận Đông, hôm trước mới hợp đồng Bệnh viện mắt Quang Đức từ TP.Sa Đéc cử người về test nhanh cho cán bộ, công nhân, giá 250.000 đồng/người, liên hệ tới thì “phải có giấy giới thiệu của cơ quan, không test theo yêu cầu của dân thường!”. Bí quá, anh Tư quay ngược lại trạm y tế xã xin giấy giới thiệu nhưng họ nói “không có thẩm quyền. Muốn gì thì qua UBND xã”. Qua UBND xã trình bày, cán bộ lại trả lời “chưa có chỉ thị, chỉ đạo của cấp trên nên không dám cấp”.
Tổng lực xét nghiệm của Đồng Tháp đang dốc sức dập dịch tại các điểm trên địa bàn.
Chạy tìm xét nghiệm như “gà mắc tóc”…
Thật ra, trong ngày vợ chồng anh Tư cùng nhiều người khác chạy tơi bời tìm nơi xét nghiệm không có là vì tổng lực xét nghiệm của tỉnh đang dốc vào một chiến dịch thần tốc dập dịch tại 6 ấp, thuộc 3 xã (An Hiệp, An Nhơn, Tân Nhuận Đông) của huyện Châu Thành. Tất cả 36 bác sỹ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) đang dẫn đầu 78 sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược như cảm tử quân, sẵn sàng trở thành F1, chia thành 36 tổ ráo riết tiếp cận 13.000 người dân tại những ổ vi rút đang lan tràn phức tạp nhất để lấy mẫu xét nghiệm, cả Viện Paster – TP.HCM cũng được huy động sẵn sàng hỗ trợ.
Vào trận, tất cả đều được tập huấn, biết rõ tính chất nguy hiểm của nhiệm vụ, với yêu cầu độ chính xác rất cao, phải tuân quy trình rất chặt chẽ và đòi hỏi thời gian rất cấp bách – chỉ trong một ngày. Các dữ liệu được nhập vào máy tính, các ống lấy mẫu phẩm dán mã QR sau đó chuyển về trung tâm phân tích bằng 3 máy xét nghiệm khẳng định RT-PCR, có công suất 16 giờ/ngày, với 3.000 mẫu đơn và 30.000 mẫu gộp 10. “Mục tiêu của đợt xét nghiệm này là tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, còn F2 thì cách ly ở địa phương. Xiết chặt bóc tách dương tính và F1 để đưa đi, kết thúc chuỗi lây nhiễm ở đây” - Bs.Dương Ân Hận, Phó Giám đốc CDC, cho biết.
Trước đây 1 tuần, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp trực tuyến chỉ đạo Đồng Tháp khẩn trương nâng cao năng lực xét nghiệm để theo kịp tốc độ lây lan rất nhanh của vi rút biến thể Delta. Vậy mà thực tế vẫn trở tay không kịp. Ngay trong lúc lực lượng, phương tiện tập trung cho trận địa nóng bỏng ở Châu Thành thì lại có thể 2 ổ dịch mới bùng phát tại xã An Hiệp, huyện Cao Lãnh.
Bởi vậy, hàng ngàn người thuộc diện F2, F3,… ở những nơi ngoài tâm điểm như xã An Phú Thuận của chị Tư và rất nhiều người có nhu cầu xét để làm “giấy thông hành” di chuyển làm ăn như anh Tư phải chạy “như gà mắc tóc”. Bên TP.Vĩnh Long, nhiều F2 đang cách ly tại nhà như đại gia đình ngoại đã hai lần liên lụy F2, phải cách ly đợt 2 mà cũng chưa ai được xét nghiệm lần nào. Tại các địa phương cửa ngõ miền Tây như Long An, Tiền Giang,… các vệt lây vi rút tràn vào địa bàn trước Đồng Tháp, cuộc chiến giằng co kéo dài nhiều ngày nguồn lực xét nghiệm cũng đã hụt hơi. Ngay cả nơi tập trung nguồn lực y tế cao nhất nhì đất nước như TP.HCM, dịch diễn biến phức tạp, kéo dài cũng đã xảy ra tình cảnh hàng ngàn tiểu thương chợ Bình Điền chen như ong vỡ tổ, làm thủ tục xét nghiệm để được di chuyển, mưu sinh, bất chấp nguy cơ lây nhiễm.
Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đã trở thành “giấy thông hành” di chuyển mưu sinh ở miền Tây.
Mới đây, ở huyện Tháp Mười còn phát hiện có người rao trên mạng xã hội bán bộ kis test nhanh Covid-19. Và hiện nay, khắp nơi đang suy đoàn khả năng 1 công nhân ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) không đi lấy mẫu vẫn được phát cho 1 tờ phiếu kết quả âm tính với SARS-CoV-2 do Công ty CP bệnh viện Mỹ Hạnh (ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) thực hiện là giấy “dỏm” cũng chỉ vì nhu cầu di chuyển qua các chốt kiểm dịch hàng ngày. Mặc dù Sở Y tế tỉnh Long An mới có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh cùng hoạt động test nhanh Covid-19 tại phòng khám đa khoa này và cơ quan công an đang điều tra làm rõ.
Vừa cách ly, vừa di chuyển mưu sinh…
Chị Tư hoang mang, anh Tư bức xúc, nên xông thẳng lên Trung tâm Y tế huyện yêu cầu hướng dẫn và họ chỉ vợ chồng anh lên TP.Cao Lãnh, tìm đến một bệnh viện tư test nhanh kháng nguyên. “Xong rồi. Có kết quả rồi. Cả hai đều âm tính” – anh Tư trút được gánh nặng trong lòng, sau 2 ngày chạy đôn, chạy đáo.
Có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2, có giấy thông hành, nhưng quy định các tỉnh giấy này chỉ có giá trị 72 giờ, thời hạn hợp đồng đặt cọc mấy trăm triệu đồng thu mua lúa cũng như “nước đã tới chân”, vợ chồng anh Tư gấp gáp thu sếp ra đi. Má Năm ái ngại, vì quy định chị Tư phải cách ly tại nhà và ở An Giang dịch cũng đang phức tạp song anh Tư vẫn kiên quyết lên đường. Những vạt lúa chín vàng tới ngày thu hoạch không thể để ngoài đồng cho mưa dập, gió vùi, nảy mầm và các nhà máy chế biến hạ giá thu mua vì lý do gạo ẩm vàng, không xuất khẩu được. Mấy trăm triệu đồng đã đặt cọc không thu mua thì sạt nghiệp, không phải chuyện chơi.
Người dân tại điểm nóng Châu Thành chờ lấy mẫu xét nghiệm.
Bao năm qua, sau khi chồng má Năm bị đột quỵ qua đời, anh Tư cưới vợ, nối nghiệp cha, xuống ghe bôn ba khắp xứ với nghề thu mua lúa nuôi sống gia đình. Chiếc ghe mấy chục tấn này đã là căn nhà di động chở che vợ chồng anh quanh năm, suốt tháng, bất kể nắng, mưa. Chồng chạy máy, vợ nội trợ, rong ruổi sông nước, gắn bó với nông dân khắp vùng, chiếc ghe chưa bao giờ vắng chủ. “Quanh năm suốt tháng ở dưới ghe, di chuyển dưới sông, suốt ngày có gặp ai đâu. Ghe có buồng, mình ở trong đó nấu cơm cho chồng ăn. Tới chỗ mình không lên bờ, có phiền tới ai đâu mà sợ”, chị Tư giãi bày.
Từng theo chồng sống dưới ghe với nghề thu mua lúa từ thời bao cấp đến khi tuổi cao, sức yếu mới an cư trên bờ, má Năm thấu hiểu không thể thuyết phục con dâu bỏ ghe lên bờ, để chồng lênh đênh, cô quạnh. “Xét nghiệm âm tính rồi mắc mớ gì bắt vợ chồng người ta phải cách ly. Không đi thu mua, vận chuyển lúa gạo thì lấy gì mà ăn. Dịch thì mọi người cũng vẫn cần phải làm ăn để sống chứ. Đi vùng dịch thì mình tự biết giữ gìn, có ai muốn chết đâu. Mỗi khi lên bờ cân lúa thí trùm áo mưa, đeo mặt nạ, bịt khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, trở xuống ghe thì tắm rửa, diệt khuẩn,… hoang mang, lo sợ thì sao mà sống nổi trong đại dịch này đây”. Anh Tư động viên má Năm, chia tay con nhỏ rồi cùng vợ hối hả hành trình ngược lên vùng Tứ Giác Long Xuyên.
Ở đó, trên 230.000 ha lúa Hè Thu, tổng sản lượng hơn 1,3 triệu tấn lúa của bà con nông dân đang từng ngày chờ đón những chiếc ghe như của vợ chồng anh Tư về thu mua chuyển đi các nhà máy chế biến gạo.
Ghi chép của VĂN DIỄM