Từ khu phố biệt thự Lào Cai đến chỉ đạo của Thủ tướng về nạn “thâu tóm đất vàng”
SK&MT - Vụ việc khu đất kim cương qua đấu giá 100% gia đình quan chức trúng đấu giá ở Lào Cai như một thông điệp báo động đỏ về hội chứng “thâu tóm đất vàng” đã tồn tại ở rất nhiều địa phương thời gian qua.
Trong 6 lô đất ở Lào Cai hiện thuộc về gia đình 5 tỉnh ủy viên, có 2 người là cán bộ lực lượng vũ trang
Ngày 24/4/2017 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4147/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ sự việc ở Thanh Hóa: "nhiều dự án đất vàng được phê duyệt giá bèo".
Theo thông tin từ Báo điện tử Chính phủ, trước đó, báo chí đã phản ánh về việc "Thanh Hóa - nhiều dự án đất vàng được phê duyệt kỳ lạ khiến ngân sách thất thu", trực tiếp là: Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương; khu biệt thự cao cấp Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, "đất vàng" đã được giao cho nhà đầu tư với giá bèo; mức giá phê duyệt trên đã khiến ngân sách nhà nước thất thu tiền tỷ.
Từ thông tin báo chí nêu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan kiểm tra một số tỉnh, thành phố (trong đó có Thanh Hóa) có nổi lên vi phạm như nội dung bài báo phản ánh trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.
Được biết, ở Thanh Hóa hiện nay, ngoài hai khu đất được nêu đích danh trong công văn chỉ đạo của Thủ tướng, còn có một khu đất vàng cũng ẩn chứa nhiều dấu hiệu bất thường trong đấu giá. Đó là khu đất trên đường Phan Chu Trinh, gần các khách sạn Sao Mai, Dạ Lan, vốn là một khu nhà tập thể của những người lao động nghèo. Thế nhưng sau đó địa phương này lại có một quyết định lạ lùng di dời toàn bộ những hộ dân này ra các chung cư tái định cư ở nơi “heo hút”, nhường “đất vàng” cho cái gọi là những dự án hoành tráng. Để rồi sau đó, dự án vì mục đích công đâu chẳng thấy, khu đất vàng sau đó được phân lô, bán đấu giá và đều rơi vào tay các tư nhân nhiều tiền, trong đó dư luận nghi ngờ có cả người nhà của các quan chức. Hiện nay, khu đất này trở thành nơi mọc lên các căn hộ biệt thự, nhà liền kề cao tầng và hầu hết cho các ngân hàng, công ty lớn thuê, như một “trung tâm tài chính” ở xứ Thanh. Vì thế, người dân gọi đùa là “phố Wall” ở Thanh Hóa.
Hiện tượng thâu tóm đất vàng, ẩn chứa lợi ích nhóm còn nhức nhối ở “thành phố đáng sống” Đà Nẵng nhiều năm qua.
Từ tháng 1/2013, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về sai phạm của Thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực đất đai như là việc giao đất không qua đấu giá; giá đất bán cho doanh nghiệp thấp hơn giá quy định gây thất thu cho ngân sách trên 3.400 tỷ đồng.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương bán nhiều khu đất và nhà công sản có vị trí đắc địa cho các cá nhân, doanh nghiệp không qua đấu giá; giảm 10 - 20% giá trị hợp đồng gây thất thoát số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng thu hồi số tiền thất thoát này nhưng đến nay, sau hơn 5 năm, Đà Nẵng vẫn chưa làm được việc này.
Trong đó, nổi lên là sự việc liên quan đến đại gia Phan Văn Anh Vũ, người đã mua sở hữu hàng loạt lô đất vàng với giá rẻ sau mỗi thương vụ chuyển nhượng thu lời hàng chục tỷ đồng. Ví dụ như trụ sở làm việc của tòa án thành phố và khách sạn sông Hàn.
Năm 2007, chính quyền Đà Nẵng đã bán hơn 1.700 m2 khách sạn sông Hàn cho Công ty Xây dựng 79 với giá 45 tỷ đồng nhưng chỉ thu được 35 tỷ đồng. Công ty Xây dựng 79 tiếp tục mua trụ sở làm việc tòa án không qua đấu giá tại số 38 Bạch Đằng. Tổng diện tích 2 khu đất này là hơn 3.700 m2 nhưng chỉ thu về ngân sách khoảng 60 tỷ đồng. Ngay sau đó, Công ty Xây dựng 79 chuyển nhượng dự án này cho một công ty khác với giá 113 tỷ đồng.
Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra một số tỉnh, thành phố
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003 - 2011) vì gây thất thu ngân sách hơn 3.434 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, điều kỳ lạ là cũng chưa có ai trong số người được kiến nghị bị xử lý kỷ luật.
Qua những sự việc trên, cho thấy hội chứng thâu tóm đất vàng đã và đang nhức nhối ở nhiều địa phương. Sự việc ở Lào Cai hiện cơ quan chức năng chưa vào cuộc làm rõ nhưng từ thông tin trên báo chí, cho thấy có nhiều vấn đề cần làm rõ liên quan đến việc đấu giá.
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan kiểm tra một số tỉnh, thành phố (trong đó có Thanh Hóa) xảy ra sai phạm trong giao đất, đấu giá đất, dư luận mong rằng, sự việc ở Lào Cai cũng sớm được làm rõ, thông tin kịp thời trước công luận và nhân dân, tránh những nghi ngờ, bức xúc.
Dư luận cũng lo ngại dấu hiệu can thiệp, cản trở việc thông tin kịp thời, khách quan về hội chứng thâu tóm đất vàng thời gian qua.
Trong đó, riêng sự việc ở Lào Cai, đã có dấu hiệu một số cán bộ truyền thông của một tập đoàn kinh tế làm ăn ở địa phương này “tác động” đến việc thông tin về sự việc…
Sức khỏe & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
Nhóm phóng viên