Ung thư sẽ dần chuyển thành căn bệnh mãn tính
Nhân ngày Ung thư thế giới (4/2), các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này tin rằng những tiến bộ trong di truyền học sẽ giúp việc điều trị ung thư giống như điều trị 1 căn bệnh mãn tính trong một tương lai rất gần.
Ngày ung thư thế giới là một sự kiện toàn cầu được tổ chức vào ngày 4 tháng 2 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư, cách phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh.
Theo các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về ung thư, việc điều trị tất cả các loại ung thư sẽ có những bước tiến vượt bậc trong vòng 5-10 năm tới.
Tỉ lệ sống sót đã tăng đáng kể trong 5 thập kỷ qua, với độ tuổi sống sót trung bình từ 24% vào đầu những năm 70 của thế kỷ 20 lên khoảng 50%.
Nhưng 1 số dạng bệnh vẫn sẽ tiếp tục khó trị - chỉ 1% bệnh nhân ung thư tuyến tụy và 5% bệnh nhân ung thư phổi có thể sống tới 10 năm sau chẩn đoán.
GS Karol Sikora, nguyên Chủ tịch chương trình Ung thư của tổ chức Y tế thế giới, cho biết những tiến bộ trong di truyền học chẳng bao lâu nữa sẽ tạo ra những đơn thuốc mang tính cá nhân, có hiệu quả tốt nhất trên 1 bệnh nhân duy nhất. Bởi những khối ung thư vú ở 100 phụ nữ là hoàn toàn khác nhau và sự hiểu biết ở cấp độ phân tử đã chỉ ra các tế bào ung thư khác các tế bào thường.
“Những loại thuốc chuyên biệt này sẽ ngăn chặn các bệnh ung thư và chuyển nó thành căn bệnh mãn tính. Hầu hết bệnh nhân bị ung thư khi ở tuổi 50 - 60. Nếu họ sống thêm 20 - 30 năm nữa thì rõ ràng là họ đã đạt tới ngưỡng tuổi thọ như người bình thường”, GS Sikora nói.
GS Sikora cũng cho rằng cuộc cách mạng y học trong điều trị ung thư sẽ diễn ra trong vòng 5 - 10 năm tới khi các nghiên cứu về điều trị đang được đẩy mạnh.
Hồng Nhung