Về nơi “gà gáy 3 tỉnh miền Tây nghe”
Biến đồng năn thành đồng tôm
Một buổi sáng giữa tháng 8/2024, chúng tôi theo chân các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, huyện Long Mỹ đến thăm đồng nuôi tôm của anh Út Hồng Ngự (Nguyễn Hồng Ngự) ở xã Lương Nghĩa. Nước nổi mênh mông trên đồng nhìn cứ tưởng như mùa nước nổi ở vùng Tứ giác Long Xuyên hay Đồng Tháp Mười. Người dân ở đây chủ yếu là nuôi tôm quảng canh, dựa vào thức ăn thiên nhiên là chính. Mùa này nước mặn tràn vào đồng Lương Nghĩa. Trước đây, vào mùa này trên đồng chỉ có cây năn là trụ được. Cũng chính vì lẽ ấy mà anh Út Hồng Ngự đã nuôi trâu, đến nay cơ ngơi của anh lên đến gần 300 con trâu. Nhưng đó là một câu chuyện khác gắn với chuyện lập nghiệp của anh Út ở vùng đất khó.
Nay anh Út lại bắt đầu nuôi vụ tôm thẻ đầu tiên trên đất mình. Ông Bảy Chánh (Trần Công Chánh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang), cầm chài tung thử một mẻ, tôm dính khá nhiều. Ông Bảy Chánh nói vui: “Có tôm nhiều thiệt”. Như hiểu ý, anh Út Hồng Ngự nói vui: “Chú Bảy cứ chài ngay chỗ vừa chài, tôm vẫn nhiều”. Ông Bảy Chánh vui hẳn ra, lãnh đạo huyện Long Mỹ cũng cảm thấy nhẹ nhõm.
Ông Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (bìa trái) và lãnh đạo huyện Long Mỹ đến thăm và trò chuyện thân tình tài căn chòi lá bên đồng tôm của anh Út Hồng Ngự
Kể câu chuyện để thấy rằng đây là vùng đất khó, mang đến sinh kế cho người dân vẫn là trăn trở của nhiều lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Chỉ với 4 công đất (4.000m2), vụ tôm đầu tay của anh Út Hồng Ngự đã mang về cho anh gần 30 triệu đồng. Nhưng điều làm anh Út thích là sau khi thu hoạch xong, xuống giống vụ lúa đông xuân rất trúng. Nói nôm na như anh Út: “Cái được là 20 ngày đầu không cần bón phân, chỉ tốn 700.000 đồng phân bón thay vì phải tốn 1,4 triệu đồng, nếu không nuôi tôm. Cái được lớn hơn là lúa vụ đông xuân có thể đạt đến 10 tấn/ha (cao hơn bình thường 3-4 tấn)”.
Anh Út nói đơn giản: Anh chỉ nuôi tôm vì khoái trồng lúa vụ sau. Còn tay nuôi tôm thứ thiệt là bạn cột chèo với anh - Út Rạng. Nuôi 3ha tôm, tính lãi tầm 150 triệu đồng, không ngờ tôm trúng đậm (17-18 con/kg), bán giá trên 200.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về trên 200 triệu đồng. Út Rạng cũng là Chủ nhiệm hợp tác xã trồng lúa sạch có tiếng ở huyện Long Mỹ.
Mô hình tôm - lúa “thuận thiên”
Huyện Long Mỹ là vùng đất khó, trước đây đất sản xuất nông nghiệp hầu hết nhiễm phèn, mặn. Tỉnh Hậu Giang đã xây dựng tuyến đê bao ngăn mặn từ huyện Long Mỹ về TP Vị Thanh. Tuy nhiên, một phần diện tích đất nông nghiệp ở Lương Nghĩa nằm ngoài khu vực đê bao. Trong cái khó ló cái khôn, người dân nơi đây đã kết hợp mô hình lúa - tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân Lương Nghĩa thu hoạch tôm.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Huyện Long Mỹ là vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm. Đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì mặn đến sớm, ảnh hưởng đến việc canh tác cây trồng cạn. Chính vì vậy, huyện có định hướng chuyển từ mô hình chuyên canh lúa, cây trồng cạn sang mô hình lúa - thủy sản, nhất là trong vụ hè thu thì chuyển sang nuôi tôm để giúp nông dân thích ứng điều kiện nước mặn. Đến thời điểm này mô hình lúa - tôm mang lại hiệu quả bền vững cho nông dân. Huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình theo hướng mặn đến đâu thì tiếp tục hỗ trợ để người dân có thể mở rộng diện tích để nuôi tôm ở vùng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn”.
Xã Lương Nghĩa có diện tích đất trên 3.000ha, đất sản xuất nông nghiệp là 2.600ha. Trong đó, diện tích theo mô hình lúa - tôm ngày càng được mở rộng. Từ năm 2016-2017, xâm nhập mặn và nồng độ mặn cao 18‰ - 19‰, người dân khu vực ấp 6 xã Lương Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi 1 vụ lúa sang 1 vụ tôm sú. Mô hình tự phát có diện tích 34ha/21 hộ, đạt sản lượng 200-250kg/ha. Năm 2018, tỉnh và huyện Long Mỹ đã thành lập hợp tác xã tôm - lúa Tân Tiến ở ấp 6, xã Lương Nghĩa với 14 thành viên. Với lợi nhuận ổn định, người dân dần mở rộng diện tích mô hình, nhân rộng ra.
Năm 2024, mô hình tôm - lúa nhân rộng ra khu vực ấp 7-8 lên 117ha trên tổng 158ha/96 hộ. Mô hình được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ 50% con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi bài bản. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng hỗ trợ mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ với trên 41ha/19 hộ tham gia, được hỗ trợ 100% giống, vật tư, cơ giới hóa vào sản xuất và được bao tiêu lúa hàng hóa.
Nông dân xã Lương Nghĩa bắt đầu làm giàu từ nuôi tôm trên vùng đất khó.
Bên căn chòi lá đầu ruộng tôm của anh Út Hồng Ngự, ông Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, gửi gắm với nông dân đang thực hiện mô hình lúa - tôm: “Đây là vùng đất khó, chịu tác động nặng nề của nước mặn, nước lợ. Người dân đã thích ứng đúng hướng khi nước lợ thì nuôi tôm thẻ, khi độ mặn tăng cao thì nuôi tôm sú, cộng thêm vụ lúa tiết giảm được 50% chi phí đầu vào, năng suất lúa lại cao, thật sự mang lại hiệu quả. Đây là mô hình đã phát huy được tinh thần “thuận thiên” mà miền Tây đang phấn đấu trong sản xuất nông nghiệp. Cái cần là người dân tiếp tục chí thú làm ăn để phát huy hiệu quả mô hình, vươn lên khá, rồi làm giàu”.
Anh Út Hồng Ngự trên chiếc xuồng thong thả quăng chài thu từng mẻ tôm thẻ. Gió từ đồng tôm hất mạnh làm mặt nước lăn tăn gợn nhẹ sóng. Một khung cảnh thanh bình khó ai nghĩ có được ở vùng đất khó “gà gáy 3 tỉnh nghe” nhiều năm về trước.