Việt Nam đã phủ sóng hơn 210 triệu liều vaccine Covid-19
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến 13h30 ngày 20.4, cả nước đã tiêm 210.107.957 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó ngày 19.4, cả nước tiêm 291.030 liều vaccine, cao hơn so với các ngày trước đó.
Tỉ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 là 52,9%; tỉ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,8%.
Số vaccine phòng Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên 192.523.174 liều: Mũi 1: 71.414.390 liều; Mũi 2: 70.042.589 liều]; Mũi bổ sung: 15.072.843 liều; Mũi 3: 35.993.352 liều.
Số vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.254.809 liều: Mũi 1: 8.830.839 liều; Mũi 2: 8.423.970 liều.
Về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhiều địa phương tiếp tục triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này. Trẻ lớp 6 tiêm trước, sau đó hạ dần lứa tuổi. Về hình thức triển khai, tổ chức tiêm theo chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.
Ảnh minh họa
Trung tâm Y tế huyện, thành phố, quận... lập danh sách trẻ từ đủ 5 đến dưới 12 tuổi để tiêm tại điểm tiêm bệnh viện đa khoa đối với trẻ có bệnh nền, đang điều trị nội trú tại các bệnh viện và những trường hợp vượt khả năng khác.
Đến nay đã có hơn 2,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 được phân bổ để tiêm cho trẻ trong độ tuổi này. Quảng Ninh là địa phương tiêm đầu tiên. Thống kê đến chiều ngày 19.4 của Bộ Y tế cho biết, đã có khoảng 39.000 liều vaccine mũi 1 tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Vẫn còn 2 thách thức, dù dịch đã được kiểm soát
WHO đã đưa ra kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới với dự đoán dịch bệnh sẽ giảm dần, chiến dịch tiêm vaccine sẽ giảm thấp nhất trường hợp chuyển nặng và tử vong. Từ đó, bệnh Covid-19 sẽ trở thành một bệnh lưu hành.
Tuy nhiên, để các hoạt động trong xã hội trở lại bình thường, mỗi cá nhân cần phải biết được nguy cơ của chính mình và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh các kịch bản về phòng, chống dịch trong tình hình mới, Bộ Y tế khẳng định, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược. Đặc biệt, dù dịch đã được kiểm soát, nhưng vẫn có 2 vấn đề thách thức trong thời gian tới. Đó là có thể xuất hiện biến thể mới nguy hiểm, kháng lại vaccine, trường hợp này xác suất xảy ra thấp. Thứ hai, đối với những người đã mắc hoặc đã tiêm chủng, hệ miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian nên có thể tăng khả năng tái nhiễm.
Tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học. Kịp thời phát hiện, cảnh báo, ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như virus có thể thích ứng với vaccine, hoặc có thể xuất hiện các biến chủng mới, dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn. Đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine, nhất là với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em… Tiếp tục tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động về thuốc; đề cao ý thức người dân.
Bộ Y tế đồng thời Bộ Y tế bảo đảm cung ứng đủ vaccine, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu đề ra.
VĂN TUYỀN