Việt Nam kêu gọi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu
Thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu - bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Philippines - tại phiên thảo luận về chủ đề bảo đảm sinh kế bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định bảo đảm sinh kế bền vững, đặc biệt dành cho nhóm dễ bị tổn thương chịu tác động của biến đổi khí hậu, là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển. Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gây ra thiệt hại lớn về nhà cửa, hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản, nhất là của nhóm dễ bị tổn thương.
Việt Nam kêu gọi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu |
Đại sứ Mai Phan Dũng hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác nhằm giải quyết hiệu quả tác động của biến đổi khí hậu đối với sinh kế của người dân.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi vận hành hiệu quả Quỹ Tổn thất và Thiệt hại (được thành lập tại Hội nghị COP 28) để cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho nhóm cộng đồng chịu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, Đại sứ Mai Phan Dũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những thách thức nêu trên. Cụ thể là thực hiện các chính sách ưu tiên người dân, trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua giáo dục, nguồn lực và chiến lược thích ứng; thúc đẩy các hoạt động bền vững trong nông nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế bền vững; và tích hợp khả năng thích ứng với khí hậu vào các chương trình bảo trợ xã hội để tăng cường khả năng phục hồi của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Sau đó, phát biểu tại phiên đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và biến đổi khí hậu ngày 2/7, Đại sứ Mai Phan Dũng đề nghị Báo cáo viên đặc biệt làm rõ hơn hiệu quả lồng ghép sự liên kết giữa các lĩnh vực hoạt động vào những chính sách về biến đổi khí hậu và biện pháp nhân rộng các bài học tốt nhằm đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của nhóm dễ bị tổn thương trong các hoạt động về biến đổi khí hậu.
Ông cũng đề nghị Báo cáo viên đặc biệt đề xuất các giải pháp tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình hành động quyết liệt nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tham gia các cam kết quốc tế mạnh mẽ trong vấn đề này, bao gồm cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam là thành viên Nhóm nòng cốt, cùng Bangladesh, Philippines giới thiệu nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người.
Tại khóa họp lần này của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ thay mặt Nhóm nòng cốt giới thiệu nghị quyết về chủ đề chuyển đổi công bằng./