Việt Nam tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong phòng, chống Covid-19
Chương trình nghị sự của Kỳ họp trực tuyến lần thứ 73 Đại Hội đồng Y tế Thế giới chủ yếu tập trung vào chủ đề chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên dự họp cũng tham gia bỏ phiếu để lựa chọn các thành viên chính thức thay thế các thành viên đã hết nhiệm kỳ tại Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế (WHO). Trong khu vực Tây Thái Bình Dương nơi Việt Nam là quốc gia thành viên của WHO, Hàn Quốc đã được bầu làm thành viên chính thức tại Hội đồng Chấp hành của WHO, thay thế cho Nhật Bản sẽ hết nhiệm kỳ trong năm 2020.
Các nguyên thủ thế giới đều có chung nhận định, đây là lúc cả thế giới cùng chung tay đoàn kết đẩy lùi đại dịch thông qua thúc đẩy tiến bộ công nghệ như vắc-xin và liệu pháp điều trị COVID-19 đồng thời cam kết sẽ tài trợ cho quỹ phòng chống COVID-19 thông qua WHO, GAVI (Liên minh tiêm chủng toàn cầu) và các tổ chức đa phương khác để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với xét nghiệm, điều trị và nguồn cung vắc-xin một khi vắc-xin ngừa COVID-19 ra đời.
Tổng Giám đốc WHO Tedros trong bài phát biểu của mình đã đề cao sự nỗ lực của các nhân viên y tế nhằm cứu mạng các bệnh nhân COVID-19. Ông cho biết hiện toàn thế giới đang thiếu 6 triệu y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh. Hơn bao giờ hết, thế giới cần phải lấp đầy khoảng trống này.
Tổng Giám đốc WHO Tedros biểu dương sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế toàn cầu trên mặt trận phòng chống COVID-19
Tổng Giám đốc WHO nhận định đại dịch COVID-19 đang thử thách mối quan hệ mật thiết giữa các quốc gia. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần một thế giới khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và công bằng hơn. Đây là lúc toàn thế giới trở nên đoàn kết hơn, chúng ta cần một Tổ chức Y tế Thế giới vững mạnh hơn để đảm bảo bao phủ sức khỏe toàn dân, sức khỏe cho tất cả mọi người.
Đại diện cho Việt Nam, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có bài phát biểu về công tác phòng chống và ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long, với quyết tâm chính trị cao “coi chống dịch như chống giặc”, Chính phủ việt Nam đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch COVID-19 đã được thành lập với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và có sự phối hợp liên ngành.
Trong thời gian qua, Việt Nam thực hiện xuyên suốt và hiệu quả 4 chiến lược: Ngăn ngừa – Phát hiện – Cách ly - Dập dịch với sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương để chỉ đạo và huy động các nguồn lực tại chỗ để phòng, chống dịch. Cho đến giờ phút này, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh, trong đó không ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Việt Nam cũng đã tích cực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, luôn luôn đảm bảo sự minh bạch về thông tin với WHO và các quốc gia khác trên thế giới thông qua thông qua cơ quan đầu mối về Điều lệ Y tế quốc tế (IHR – International Health Regulations).
Tại Kỳ họp này, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long đã kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là đại dịch COVID-19. Bên canh đó, Việt Nam cũng kêu gọi tăng cường hơn nữa các cơ chế đối thoại và hợp tác để ứng phó với đại dịch COVID-19 và giải quyết các thách thức chung cho hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
Mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều thiệt hại to lớn cho các quốc gia trên thế giới nhưng đây cũng là cơ hội để các quốc gia xem xét lại năng lực của mình theo yêu cầu của IHR (2005) bao gồm chính sách, giám sát, đánh giá rủi ro, phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, quản lý lâm sàng, truyền thông rủi ro và tài nguyên để đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường các năng lực trên trong thời gian tới.
Ngân Giang