Vĩnh Phúc: Đất rừng sản xuất bị xâm lấn ảnh hưởng đến môi trường
Ngang nhiên phá rừng sản xuất
Thời gian gần đây, Sức khỏe và Môi trường điện tử nhận được thông tin phản ánh về việc: Khoảng 3,5ha đất rừng sản xuất tại Nông trường Tam Đảo bị doanh nghiệp xẻ thịt, xây dựng 2 trạm bê tông. Đặc biệt, các xe tải chở sỏi, cát và bê tông hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm khiến người dân luôn bị tra tấn bởi tiếng ồn và bụi bặm gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân nơi đây.
Đất rừng sản xuất của Nông trường Tam Đảo bị xẻ thịt, biến thành nơi xây trạm bê tông trái phép.
Theo khảo sát, tại đồi Hiệp Thuận bị san phẳng, biến thành trạm trộn bê tông, cây xăng và lán trại. Nơi đây trở thành điểm tập kết vật liệu. Máy xúc cỡ lớn hoạt động hết công suất, san ủi đất cả ngày lẫn đêm. Hơn nữa, người ta còn san phá làm đường lên đỉnh đồi để tiện cho việc vận chuyển.
Cận cảnh đất rừng sản xuất bị phá tan hoang.
Được biết, hai trạm trộn bê tông là của Hợp tác xã Vật liệu xây dựng Tuổi Trẻ (công ty Tuổi trẻ - PV) và Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành (công ty Phúc Thành). Ông N.Đ.T (người dân địa phương) cho biết: “Những cỗ máy này hoạt động liên tục suốt ngày đêm, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Không hiểu vì sao ủy ban xã cách đó có mấy trăm mét mà sao vẫn để tình trạng này tiếp diễn suốt thời gian dài”.
Để xác minh nguồn gốc đất trên, PV đã liên hệ ông Nguyễn Ngọc Bộ - Trưởng phòng TNMT huyện Bình Xuyên. Ông Bộ cho biết, khu vực trên quy hoạch là khu tái định cư.
Thế nhưng cũng trên bản đồ quy hoạch này, thực trạng đất ở khu vực trên vẫn có ký hiệu RSX (Rừng sản xuất - PV). Rõ dàng, hành động của các doanh nghiệp trên diện tích đất này là hành vi phá rừng sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Bộ - Trưởng phòng TNMT huyện Bình Xuyên cho PV xem bản đồ xã Thiện Kế.
Bản đồ ghi rõ khu vực này có ký hiệu là RSX (Đất rừng sản xuất – PV)
Làm ngơ cho doanh nghiệp phá rừng
Liên quan đến vụ việc, PV phát hiện hàng loạt các văn bản của cơ quan chức năng về việc để cho doanh nghiệp phá rừng?
Cụ thể, ngày 15/5/2018, UBND huyện Bình Xuyên đã có văn bản số 567/TNMT-UBND gửi tỉnh Vĩnh Phúc, báo cáo chung chung về 2 trạm trộn bê tông được xây dựng trái phép trên đồi Hiệp Thuận có diện tích khoảng 3,5ha. Hoạt động của 2 trạm trộn bê tông gây bức xúc trong dân. Chính quyền đã nhận được phản ánh của dân nhưng không đủ thẩm quyền nên đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra xử lý. Thế nhưng, văn bản này lại không nhắc đến trạm trộn trên của ai, thực trạng thế nào, quá trình kiểm tra, xử lý ra sao?. Đặc biệt, việc doanh nghiệp phá rừng sản xuất cũng được văn bản này “ém nhẹm” nhằm giảm mức nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Tiếp đó, ngày 03/07/2018, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó chủ tịch huyện Bình Xuyên lại ký Giấy xác nhận số 793/GXN-UBND về việc: “Xác nhận cho Công ty TNHH Tuổi trẻ Khai Quang đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Dự án Công trình đường dây và trạm biến áp 400kVA-22/0.4kV cấp điện cho Công ty TNHH Tuổi trẻ Khai Quang tại UBND huyện Bình Xuyên”. Thủ tục này đã giúp cho Điện lực huyện Bình Xuyên cấp điện cho công ty Tuổi Trẻ có thể tiến hành hoạt động của 2 trạm bê tông trên.
Điều đáng nói, trước đó, huyện Bình Xuyên đã phát hiện công ty Tuổi trẻ và công ty Phúc Thành có hành vi phá rừng sản xuất ở xã Thiện Kế để xây trạm trộn bê tông, đã báo cáo tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, công ty vi phạm xin huyện xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường để xây trạm biến áp phục vụ việc tưới tiêu cây lâm nghiệp tại xã Thiện Kế. Thế mà huyện vẫn “cả tin” và cấp phép cho doanh nghiệp để tưới tiêu? Đáng nói, 3,5ha rừng sản xuất bị phá tan hoang, lấy đâu ra cây lâm nghiệp cho doanh nghiệp tưới tiêu?
Liệu có phải chính quyền địa phương tắc trách hay cố tình lờ đi hành vi phá rừng này? Từ khi UBND huyện cáo cáo lên tỉnh, trong suốt 2 tháng đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động và phá rừng rầm rầm?.
Sức khỏe & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
PV