WHO: Việt Nam đã làm rất tốt trong khống chế dịch COVID-19
Tuyên bố bày tỏ quan ngại của các nhà lãnh đạo ASEAN về diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và sự phát triển của các nước ASEAN cũng như ở khu vực và trên thế giới.
Nhấn mạnh đoàn kết ASEAN và tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng của Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết mạnh mẽ chung tay kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.
Tuyên bố hoan nghênh các nỗ lực đang được tiến hành trong kênh hợp tác y tế ASEAN và với các Đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc); nhấn mạnh ASEAN sẽ tăng cường phối hợp ở cả cấp quốc gia và khu vực; điều phối các hoạt động hợp tác chung giữa các kênh chuyên ngành liên quan để thống nhất cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả của Cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các Đối tác, các tổ chức quốc tế trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Tuyên bố cũng khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của ASEAN với nỗ lực to lớn của Chính phủ và người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế nói chung trong ứng phó với bệnh dịch.
Tuyên bố nhấn mạnh các nước ASEAN tiếp tục duy trì chính sách mở cửa; nhất trí phối hợp trong công tác kiểm tra y tế tại các cửa khẩu của các quốc thành viên; yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên ASEAN ở nước thứ ba hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN trong trường hợp cần thiết cũng như hợp tác hiệu quả ngăn ngừa thông tin sai lệch về dịch bệnh COVID-19.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cam kết dành ưu tiên cao của ASEAN ứng phó với dịch bệnh và kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng quốc tế.
Nằm trong các ứng phó chung của ASEAN với dịch COVID-19, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng điều phối ASEAN (ACC), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị tổ chức cuộc họp đặc biệt của ACC và phối hợp cùng Trung Quốc họp đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 5 tại Vientiane, Lào sắp tới để thảo luận về hợp tác ứng phó với COVID-19.
Cùng ngày 14/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá các quốc gia trên thế giới đã ở trạng thái sẵn sàng tốt hơn cho dịch COVID-19 (nCoV) so với cách đây một tuần.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo và là nơi ông Ghebreyesus đang có chuyến đi tới để đánh giá tình hình dịch bệnh Ebola, Tổng giám đốc của WHO cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các nước trong thời gian tới. Ông nói: “Dù là Ebola hay Covid-19, đầu tư vào quá trình chuẩn bị ứng phó là cách thông minh nhất để đảm bảo các dịch bệnh được xác định và ngăn chặn kịp thời ngay khi bùng phát.”
Tổng giám đốc WHO cũng nhấn mạnh rằng thế giới cần đoàn kết hơn nữa.
Trong khi đó, tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ, WHO cũng tổ chức cuộc họp báo hàng ngày để đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19. Tại cuộc họp báo, bà Sylvie Briand, một quan chức cấp cao của WHO, kêu gọi mọi người tăng cường sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE).
Theo đánh giá của WHO, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Với dịch bệnh Corona, WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch rất tốt. “Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là Covid-19”, thông báo của WHO nêu rõ.
WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch-tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn; quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.
Đã có hơn 8.000 bệnh nhân được xuất viện tai Trung Quốc
Về khuyến nghị của WHO đối với Việt Nam để chuẩn bị tốt hơn nhằm đối phó với Covid-19, WHO nhấn mạnh: Dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm vi-rút Corona mới trong những ngày tới. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh và cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp; tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (2005).
Số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 6h20 sáng 15/02, thế giới có 1.523 ca tử vong, 66.894 ca nhiễm và 7.820 ca nhiễm được chữa khỏi. Đến hết ngày 14/2, nước này đã ghi nhận tổng cộng 8.096 bệnh nhân nhiễm bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 (nCoV) được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Riêng trong ngày 14/2 đã có 1.373 người được ra viện.
Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 14/2 cho rằng, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra là thách thức lớn đối với Trung Quốc, song đến nay dịch về tổng thể đã được kiểm soát.
Linh Đức