Xây dựng Khu công nghiệp sinh thái: Đã có doanh nghiệp chủ động, tích cực
Khó khăn chồng khó khăn
Tại Hội thảo "Khu công nghiệp sinh thái - xu thế toàn cầu và triển vọng tại Việt Nam" do Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng UBND thành phố Hải Phòng tổ chức mới đây, ông Trần Minh Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, cho biết: "Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Các KCN đang hoạt động tại Hải Phòng đã xây dựng được hệ thống thu gom nước mưa và nước thải riêng biệt, có và đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung".
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra những khó khăn đang tồn tại trong nhiều KCN hiện nay: "Vẫn có KCN đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định hoặc kết quả các thông số chưa đạt chuẩn QCVN. Tỉ lệ cây xanh thấp, chưa đạt chuẩn. Cán bộ theo dõi môi trường tại nhiều KCN còn chưa có chuyên môn về bảo vệ môi trường, chủ yếu kiêm nhiệm".
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng thừa nhận Ban quản lý các KCN không phải cơ quan quản lý nhà nước nên không có những chế tài xử lý các vấn đề về môi trường trong KCN. Ý thức và nhận thức của một số nhà đầu tư trong KCN chưa cao gây khó khăn cho quản lý.
Hình ảnh KCN Nam Cầu Kiền
Chủ động giải quyết vướng mắc
Là mô hình đang được xây dựng theo các tiêu chí của KCNST, KCN Nam Cầu Kiền của Công ty CP Shinec nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khi cho biết đã và đang giải quyết được nhiều khó khăn chung của các KCN hiện nay về vấn đề môi trường.
Hơn 10 năm hình thành và phát triển, công tác bảo vệ và xây dựng môi trường luôn được Nam Cầu Kiền ưu tiên hàng đầu. Ngay trong quy hoạch, KCN đã dành 33% quỹ đất cho các công trình công cộng với cảnh quan xanh đẹp, mạnh dạn đầu tư tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường chỉ ISO 14001-2015. Con số này vượt quá chỉ tiêu 25% của Chính phủ.
Tuy nhiên, giống như nhiều KCN khác, thách thức đặt ra không nhỏ khi trong KCN 108ha có gần 40 doanh nghiệp đến từ nhiều đất nước khác nhau như Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Sự đa dạng về văn hóa kinh doanh đòi hỏi ban lãnh đạo KCN phải có những biện pháp “cứng rắn” để giữ cho môi trường được xanh, đẹp.
“Không phải biện pháp nào đưa ra cũng thành công như mong đợi”, ông Phạm Hồng Điệp – Tổng Giám đốc KCN Nam Cầu Kiền, chia sẻ, “Dù chúng tôi đặt thùng rác nhiều nơi nhưng rác vẫn bị vất bừa bãi, xả vô tội vạ. Chính vì vậy, chúng tôi để các doanh nghiệp tự quản lý việc thu gom rác thải, ai vi phạm sẽ bị phạt; CCTV 24/24 khắp nơi có thể giám sát được việc này…”.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo KCN cũng đồng thời áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu phát thải như tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên từng doanh nghiệp; phủ xanh hoa cỏ trên các tuyến đất trống của KCN, đào hào để cách li tiếng ồn và ngăn bụi thải…
Công nhân vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.
Công nhân vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.
Tại Nam Cầu Kiền, nước thải Công nghiệp sau xử lý sẽ đạt các thông số về nồng độ tại Cột B của Quy chuẩn QCVN 40:2011 rồi mới xả ra môi trường. "Nhưng hiện nay, trên thực tế, đã đạt mức cột A - có thể trồng rau, nuôi cá. Chúng tôi vẫn tận dụng nguồn nước này để tưới cây, rửa đường”, ông Điệp cho biết.
Toàn bộ nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ các nhà máy theo đường ống dẫn nhựa HDPE không thẩm thấu được chuyển đến một nhà máy xử lý nước thải phục vụ cho toàn KCN. Công suất xử lý 1000m3/ngày đêm đã chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2018. Ban quản lý yêu cầu tất cả các nhà đầu tư lắp đồng hồ đo lưu lượng nước thải để kiểm soát lưu lượng nước thải phát sinh. Hàng tháng, phòng Quản lý môi trường tiến hành lấy mẫu quan trắc nước thải định kỳ tất cả các nhà đầu tư trong KCN, đảm bảo xử lý nước thải toàn bộ. "Chúng tôi có Phòng Quản lý môi trường với các cán bộ chuyên trách về môi trường, được đào tạo chính quy, bài bản. Nước thải của các nhà máy được bộ phận này giám sát hàng ngày, hễ chỉ số xả thải của nhà máy nào vượt quá mức quy định là nhà máy đó phải trả tiền để Phòng Quản lý môi trường tiến hành xử lý riêng, đạt tiêu chuẩn mới cho xả vào hệ thống chung của KCN", ông Điệp chia sẻ thông tin.
Thời gian tới, Nam Cầu Kiền đặt ra mục tiêu sẽ tiếp tục giám sát, quản lý và vận hành tốt nhà máy xử lý nước thải; hoàn thiện đường ống và hoàn tất thủ tục xin điểm xả thải ra sông Cấm; giám sát và duy trì tốt hệ thiết bị quan trắc – giám sát nước thải tự động; hoàn tất việc lắp đặt toàn bộ đồng hồ đo lưu lượng nước thải tại KCN; xây dựng hệ sinh thái có quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong KCN.
KCN Nam Cầu Kiền là một mô hình đang bước đầu thành công khi quyết tâm xây dựng KCN xanh – KCN sinh thái. Từ một trong những “người tiên phong” này, sẽ có nhiều kinh nghiệm cho các khu công nghiệp trên cả nước khi quy hoạch mới hoặc quyết định thay mổi mô hình phát triển.
Minh Thanh