Xu hướng xây dựng thành phố xanh trên sa mạc
Một bản vẽ thiết kế thành phố Telosa.
Lore, cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn Walmart tuần trước công bố kế hoạch xây Telosa, siêu đô thị bền vững trên sa mạc Mỹ với vốn đầu tư 400 tỷ USD. Dự án tham vọng với diện tích 60.703 hecta hướng tới kiến trúc thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng bền vững và hệ thống cung cấp nước trong điều kiện khô hạn. Các cư dân trong thành phố có thể đi từ nhà đến nơi làm việc, trường học và cơ sở tiện nghi trong vòng 15 phút.
Thông báo trên đi kèm hàng loạt bản vẽ kỹ thuật số của Bjarke Ingels Group (BIG), công ty kiến trúc mà Lore thuê để biến dự án thành hiện thực. Các hình ảnh hé lộ những tòa chung cư phủ đầy cây xanh và người dân tận hưởng không gian mở rộng rãi. Phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch bị cấm trong thành phố, thay vào đó là xe tự lái di chuyển dọc đường phố ngập tràn ánh nắng cùng với xe máy và người đi bộ.
Một bản vẽ mô tả tòa nhà chọc trời có tên tháp Equitism, được ví như "đèn hải đăng của thành phố". Tòa nhà có hệ thống dự trữ nước trên cao, trang trại khí canh và phần mái gắn pin quang điện để sản xuất năng lượng.
Giai đoạn xây dựng đầu tiên sẽ cung cấp chỗ ở cho 50.000 cư dân trên diện tích 607 hecta, đi kèm chi phí ước tính 25 tỷ USD. Thành phố có thể cán mốc 5 triệu cư dân trong vòng 40 năm. Ngân sách xây dựng sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nhà đầu tư tư nhân, đơn vị từ thiện, chính quyền bang và liên bang, trợ cấp phát triển kinh tế.
Ngoài thiết kế đô thị tiên tiến, dự án cũng hứa hẹn về chính sách quản lý minh bạch và mô hình xã hội mới. Cư dân ở thành phố Telosa có quyền tham gia quá trình ra quyết định và cấp ngân sách. Họ cũng có thể chia sẻ quyền sở hữu đất.
Đây không phải thành phố mới đầu tiên mà BIG thiết kế và quy hoạch. Hồi tháng 1/2020, hãng xe Nhật Bản Toyota cũng giao cho BIG lập kế hoạch xây thành phố 2.000 dân ở chân núi Phú Sỹ. Dù nhỏ hơn nhiều Telosa, dự án mang tên Woven City phục vụ thử nghiệm xe tự lái, công nghệ thông minh và robot hỗ trợ sinh hoạt.
Linh Đức