8 cách trị mụn nhọt cho trẻ tại nhà hiệu quả và an toàn
SKMT - Thời tiết nóng bức, mồ hôi nhiều khiến vi khuẩn phát triển, cũng là điều kiện lý tưởng để mụn nhọt xuất hiện gây khó chịu cho trẻ em.
Phần lớn da được bao bọc bởi các nang lông nhỏ nên trẻ nhỏ có thể bị nổi mụn nhọt tại bất cứ chỗ nào trên cơ thể. Tuy nhiên, những mụn nhọt này thường thích “đóng quân” ở những nơi có nhiều lông tóc, mồ hôi hoặc những nơi thường xuyên bị ma sát.
Việc xuất hiện mụn nhọt nhiều khiến trẻ mất ngủ, quấy khóc khó chịu vì ngứa. Những mụn nhỏ thành nhiều, tổn thương thành mủ. Nhọt là tổn thương sâu hơn, thường xuất hiện ít, tổn thương mủ có thể khiến trẻ lên cơn sốt.
Mụn nhọt có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Khi cơ thể trẻ đề kháng tốt, những vi khuẩn chỉ khu trú trong mụn, nhọt. Nhưng nếu sức đề kháng không tốt, vi khuẩn sẽ đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Lúc đó, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc bùng phát, trẻ còn có thể bị sốc do độc tố vi khuẩn.
Không ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Nếu phát hiện và điều trị trễ, trẻ có thể bị các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi...
Bài thuốc trị mụn nhọt cho trẻ tại nhà an toàn
Để chữa trị mụn nhọt, phụ huynh có thể tham khảo những bài thuốc dân gian dưới đây:
Bồ công anh, kim ngân hoa, tô mộc, sài đất
Mỗi vị 16g; huyền sâm, hoàng bá, rau má mỗi vị 12g; sắc uống ngày 1 thang. Trẻ em tùy tuổi dùng liều bằng 1/2 hay 1/3 liều của người lớn.
Kim ngân, hoa nhài, bồ công anh
Dùng hoa nhài 10g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
Hạt gấc
Hạt gấc có thể dùng chữa trị mụn rất tốt.
Trường hợp chỉ có một hai mụn to, có thể chữa như sau: Khi còn đang sưng tấy đỏ, chưa thành mủ dùng hạt gấc mài trong giấm bôi hằng ngày hoặc giã lá táo, đắp.
Dùng cây mua bà, lá chua me đất
Lấy lá non, giã hơ nóng đắp vào chỗ có nhọt. Ngày thay 1 lần.
Cuống bí ngô
Cuống bí ngô cũng được dân gian sử dụng để trị mụn cho trẻ.
Lấy cuống bí ngô đốt thành than, rồi đắp vào nơi có nhọt, ngày thay 1 lần. Có thể lấy cuống bí ngô đốt thành than, nghiền nát trộn với dầu mè hay dầu sở rồi đắp vào, ngày thay 1 lần.
Lá sen
Lấy cuống lá sen sắc lấy nước đặc rửa nơi mụn nhọt. Mặt khác lấy lá sen rửa sạch giã nát cùng với cơm nếp rồi đắp vào nơi có nhọt. Ngày thay 1 lần.
Chữa mụn nhọt, đinh độc, vết thương bằng lá ớt
Lấy lá ớt, lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, lá táo, mỗi thứ từ 10-20g, đem rửa sạch, giã nát cùng ít muối ăn rồi đắp vào vết thương hay mụn nhọt, đầu đinh. Hoặc lấy lá ớt, cành xương rồng bà có gai, lá mồng tơi mỗi thứ 5-10g, giã nát đắp vào nơi mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.
Các bài thuốc đắp bên ngoài
Rau mồng tơi, rau diếp cá, lá lô hội hoặc cây lưỡi hổ: Lấy lá lô hội tươi giã nát đắp vào chỗ mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần
Lưu ý : Các cách chữa trị mụn nhọt ở trên là kinh nghiệm dân gian. Khi dùng các phương pháp trên mà bé xuất hiện các hiện tượng trên thì các mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện
Bé vẫn tiếp tục mọc thêm mụn nhọt
Có kèm thêm các triệu chứng sốt kéo dài, mệt mỏi, khó chịu
Mụn tiếp tục sưng to hơn sau 2 tuần
Sờ vào thấy mụn xốp và mềm
Mụn nhọt ở trên mặt trẻ
Cách phòng ngừa mụn nhọt hiệu quả
Giữ vệ sinh tốt: Giặt giũ, tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn sẽ giúp bé tránh được mụn nhọt. Khi bé bị trầy xước hay đứt tay, nhanh chóng rửa tay cho bé đúng cách và luôn để mắt đến bé.
Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cho hệ miễn dịch cuả bé mạnh khỏe hơn, đủ sức chống lại mấy “anh” khuẩn tụ cầu. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ nên cho trẻ bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời để giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Như vậy mẹ đã có thể biết được từ nguyên nhân cũng như cách trị mụn nhọt ở trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ an toàn ngay tại nhà, các mẹ nhớ có biện pháp phòng ngừa tích cực để không để bé xuất hiện các vết mụn nhọt khó chịu này nhé.
Thảo Mun