Ăn uống thế nào khi "bị" cholesterol cao?
Hạ thấp đến bao nhiêu là bình thường? Không có mức bình thường tuyệt đối, mức bình thường của người khỏe mạnh dao động tùy theo cách đo đạc mà phòng xét nghiệm sử dụng. Những người có nguy cơ tim mạch cao và rất cao thường phải dùng thuốc statin để kiểm soát LDL cholesterol, sao cho giữ ở mức nhỏ hơn 100 mg/dl.
Tuổi tác không phải là yếu tố cân nhắc khi cho thuốc bởi người già thường có lợi khi hạ thấp LDL cholesterol.
Để giảm LDL cholesterol hay triglyceride đòi hỏi phải kết hợp giảm cân, vận động thể lực thường xuyên và chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol. Những thuốc hạ mỡ máu hiện có không thể đủ để hạ cholesterol hay triglyceride như mong muốn, mà chỉ có thể giảm 30-40% trị số ban đầu. Phần còn lại đòi hỏi phải thay đổi lối sống và ăn uống.
Thay đổi lối sống (bao gồm vận động, bỏ thuốc lá) không chỉ làm hạ cholesterol, giảm triglyceride mà còn giảm đột quỵ hay cơn đau tim qua cơ chế khác không liên quan đến cholesterol.
Bên cạnh việc thay đổi lối sống như năng tập luyện cường độ trung bình, giảm cân thừa, giảm rượu, ngưng hút thuốc lá, kiểm soát đường huyết (nếu có), ăn uống đúng cách là bước đầu tiên nhưng rất hiệu quả trong nỗ lực giảm cholesterol và triglyceride lại không lo tác dụng phụ.
Ở đây nhấn mạnh không nên ăn kiêng mà là ăn hợp lý. Ăn kiêng quá mức làm cơ thể thiếu chất, nhất là thiếu vi chất, lâu ngày gây suy dinh dưỡng, giảm khả năng đề kháng với bệnh tật. Để giảm cholesterol, chọn thức ăn không có mỡ bão hòa, không có cholesterol là điều kiện tiên quyết.
Đối với người tăng triglyceride, lưu ý cắt giảm tinh bột đã qua chế biến có trong thức ăn nhanh, bánh mì, bắp rang, thay vào đó là chất bột chưa qua chế biến như bắp trái, khoai, các loại củ...
Những nguyên tắc cần nhớ:
- Hạn chế chất béo, phần năng lượng do dầu mỡ trong khẩu phần ăn hằng ngày chỉ nên dưới 30% tổng năng lượng cần dùng. Ví dụ khoảng 2.200kcal cần cho cơ thể người trưởng thành mỗi ngày thì chất béo chỉ nên cung cấp 600kcal.
- Không ăn thức ăn có cholesterol cao. Nhu cầu hằng ngày là 300mg cholesterol. Vì vậy lòng đỏ trứng, thịt đỏ nên hạn chế vì có nhiều cholesterol và acid béo bão hòa. Ví dụ một trứng mỗi tuần.
- Giảm các chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, phomát, margarin...), thay thế bằng chất béo chưa bão hòa (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng...).
- Nên ăn cá nhiều hơn và chọn cá béo vì omega-3 có trong mỡ cá giúp giảm mỡ máu.
- Ăn nhiều rau cải, trái cây.
Nguồn cung cấp cholesterol chính đến từ thịt, gia cầm, cá, phủ tạng động vật, nhất là gan và sản phẩm từ sữa, trong khi rau cải không chứa một lượng nhỏ nào.
Và bạn cũng đừng quá căng thẳng trong chuyện ăn uống khi đã ăn kiêng đến "tận trời đất" và uống thuốc đúng chỉ định mà cholesterol vẫn không giảm. Không phải cứ ăn kiêng là có thể giảm được mỡ máu, bởi chỉ 20% cholesterol trong cơ thể đến từ thức ăn, cơ thể bạn vẫn tự sản xuất cholesterol quá mức do bất thường gen quy định.
Với những trường hợp khó khăn này, lọc máu lấy bớt LDL cholesterol được các trung tâm chuyên điều trị rối loạn lipid thực hiện.
AloBacsi.vn
Theo BS Lê Tuyết Hoa - Tuổi trẻ
Nguồn: alobacsi.vn