Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024: Xu hướng suy giảm thiên nhiên đáng báo động
Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024: Xu hướng suy giảm thiên nhiên đáng báo động. |
Những con số biết nói
LPI 2024 được tổng hợp dựa trên quá trình quan sát 35.000 xu hướng quần thể và 5.495 loài lưỡng cư, chim, cá, động vật có vú và bò sát.
Trong đó, các quần thể nước ngọt là nhóm phải chịu mức suy giảm nặng nề nhất, khoảng 85%. Tiếp đó là các quần thể trên cạn (69%) và biển (56%).
Ở cấp độ khu vực, khu vực có mức độ suy giảm quần thể động vật hoang dã nhanh nhất là Mỹ Latin và Caribe, với tỷ lệ lên tới 95%, tiếp theo là Châu Phi (76%) và Châu Á và Thái Bình Dương (60%). Trong khi đó, Châu Âu - Trung Á và Bắc Mỹ ghi nhận tốc độ suy giảm thấp hơn, với tỷ lệ lần lượt là 35% và 39%.
Những con số này đã phản ảnh một hiện thực, cho thấy tác động diện rộng rõ ràng lên các quần thể động vật hoang dã và thiên nhiên nói chung.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng suy thoái và mất đa dạng sinh học là do sự phát triển của hệ thống lương thực toàn cầu. Ngoài ra, vấn đề khai thác quá mức tài nguyên, cá loài xâm lấn và dịch bệnh cũng là những yếu tố đóng góp vào sự suy giảm này. Các mối đe dọa khác bao gồm biến đổi khí hậu (được trích dẫn nhiều nhất ở Mỹ Latinh và Caribe) và ô nhiễm môi trường (đặc biệt là ở Bắc Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương).
Bằng cách theo dõi những thay đổi về quy mô quần thể loài theo thời gian, LPI được xem là chỉ báo cảnh báo sớm về nguy cơ tuyệt chủng và giúp con người hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của các hệ sinh thái. Khi một quần thể giảm xuống dưới một mức nhất định, loài đó sẽ khó có thể thực hiện vai trò thông thường của mình trong hệ sinh thái – dù đó là vai trò phát tán hạt giống, thụ phấn, chăn thả, chu trình dinh dưỡng hay nhiều quá trình khác giúp hệ sinh thái vận hành hiệu quả và khoẻ mạnh.
Việc duy trì tính ổn định của quần thể sinh vật trong thời gian sẽ dài mang lại khả năng phục hồi trước các vấn đề nhiễu loạn như bệnh tật và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Mặt khác sự suy giảm quần thể, như thể hiện trong LPI toàn cầu, đang làm giảm khả năng phục hồi và đe dọa đến hoạt động của hệ sinh thái. Xu hướng này đang làm suy yếu các lợi ích mà hệ sinh thái mang lại cho con người - từ thực phẩm, nước sạch, khả năng lưu trữ carbon để có khí hậu ổn định cho đến những đóng góp rộng lớn hơn đối với sức khỏe văn hóa, xã hội và tinh thần của chúng ta.
Dấu hiệu cảnh báo sớm
LPI 2024 và các chỉ số tương tự đều cho thấy thiên nhiên đang suy giảm với tốc độ đáng báo động. Dù những sự thay đổi này không rõ rệt nhưng tác động tích luỹ của xu hướng mất đa dạng sinh học đang gây ra những tác động lớn và nhanh chóng tới mọi mặt đời sống. Khi tác động tích lũy đạt đến một ngưỡng nhất, xu hướng nay sẽ tự duy trì, dẫn đến sự thay đổi khác lớn hơn, thường mang tính đột ngột và khó đảo ngược. Đây được gọi là điểm tới hạn.
Trong thế giới tự nhiên, nếu xu hướng suy giảm đa dạng sinh học tiếp diễn, nguy cơ đạt tới điểm tới hạn rất dễ xảy ra. Điều này sẽ gây ra nhiều hậu quả thảm khốc hơn đối con người và các sinh vật, đồng thời gây tổn hại đến các hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái đất và làm mất ổn định xã hội ở mọi nơi.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một số nơi đang tiến gần đến điểm tới hạn bao gồm: Xu hướng tẩy trắng hàng loạt rạn san hô. Nếu tiếp diễn, hiện tượng này sẽ phá hủy nghề cá và khả năng tự bảo của hàng trăm triệu người sống quanh bờ biển trước các cơn bão.
Trong khi đó, điểm tới hạn của rừng mưa nhiệt đới Amazon sẽ giải phóng hàng tấn carbon vào khí quyển và ảnh hưởng tới xu hướng thời tiết trên toàn cầu.
Trong lưu thông đại dương, sự thay đổi của xoáy nước cận cực, một dòng hải lưu tròn phía Nam Greenland, sẽ làm thay đổi đáng kể các kiểu thời tiết ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Ở tầng băng giá (các phần đóng băng của hành tinh), sự tan chảy của các tảng băng Greenland và Tây Nam Cực sẽ khiến mực nước biển dâng cao thêm nhiều mét, trong khi sự tan chảy trên diện rộng của lớp đất đóng băng vĩnh cửu sẽ gây ra lượng khí thải carbon dioxide và mê-tan khổng lồ.
Thế giới đã ghi nhận xu hướng tiến gần tới các điểm tới hạn ở cấp độ địa phương và khu vực. Xu hướng này đang kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về sinh thái, xã hội và kinh tế.
Ở miền tây Bắc Mỹ, sự xâm nhập của bọ vỏ thông và các vụ cháy rừng đang diễn ra thường xuyên, với mức độ dữ dội hơn. Cả hai hiện tượng này đều trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đang đẩy rừng thông đến điểm tới hạn, nơi chúng sẽ bị thay thế bằng cây bụi và đồng cỏ.
Ở Rạn san hô Great Barrier, nhiệt độ nước biển tăng cao cùng với sự suy thoái của hệ sinh thái đã dẫn đến các sự kiện san hô bị tẩy trắng hàng loạt vào các năm 1998, 2002, 2016, 2017, 2020, 2022 và 2024. Mặc dù Rạn san hô Great Barrier đang phục hồi, nhưng chúng ta vẫn có khả năng sẽ mất 70–90% tổng số rạn san hô trên toàn cầu, bao gồm cả Rạn san hô Great Barrier, ngay cả khi chúng ta có thể hạn chế sự nóng lên của khí hậu ở mức 1,5°C.
Tại Amazon, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu đang làm giảm lượng mưa. Điểm tới hạn có thể xảy ra khi các điều kiện môi trường trở nên không phù hợp với rừng mưa nhiệt đới, gây ra hậu quả tàn khốc cho con người, đa dạng sinh học và khí hậu toàn cầu. Chỉ cần thêm khoảng20–25% rừng nhiệt đới Amazon bị phá hủy, khu vực này sẽ đạt tới điểm tới hạn.
Trước những xu hướng đáng báo động này, báo cáo LPI kêu gọi thế giới cần chung tay hành động ngay bây giờ để tăng khả năng phục hồi của hệ sinh thái và giảm tác động của biến đổi khí hậu và các tác nhân gây căng thẳng khác trước khi các điểm tới hạn này đạt đến.