Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp vượt khó vươn lên trong công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường
Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp hiện có 4 phòng chức năng, 10 khoa, với 100 giường kế hoạch và 250 giường thực kê, 81 cán bộ công chức viên chức. Trong năm 2019, Bệnh viện đã khám, chữa bệnh cho khoảng 22.821 lượt bệnh nhân; trong đó có 8.977 lượt bệnh nhân nội trú; công suất sử dụng giường bệnh đạt 135%.
Với mong muốn tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân, Bệnh viện đã đầu tư sửa sang lại các phòng bệnh, kê thêm giường bệnh; hạn chế thấp nhất và tránh tình trạng nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly; bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, phương tiện cấp cứu; mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh như: Hệ thống mổ nội soi, máy nội soi dạ dày, máy Xquang kỹ thuật số, máy siêu âm 4D, máy xét nghiệm sinh hóa tự động… Nhờ đó, nhiều kỹ thuật điều trị mới đã được triển khai, giúp bệnh nhân giảm bớt việc vượt tuyến, chuyển tuyến như tiêm truyền trong xương; đặt nội khí quản trẻ em; chiếu đèn điều trị vàng da; thở máy xâm nhập và không xâm nhập CPAP; xét nghiệm hạch đồ; xét nghiệm máu lắng…
Trong việc phát triển nguồn nhân lực, Bệnh viện thường xuyên cử cán bộ y, bác sĩ tham gia các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn để cập nhật và tiếp cận với nhiều kiến thức mới trong công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh phong trào nâng cao y đức trong bệnh viện, cải thiện thái độ ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các vấn đề về thủ tục hành chính cũng đã được tinh giảm, trang bị máy lấy số vào viện tự động, đảm bảo thuận tiện, nhanh gọn, công bằng cho người bệnh. Nhờ đó chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao.
Song song với việc phát triển về chuyên môn, công tác vệ sinh môi trường tại bệnh viện, đặc biệt là vấn đề quản lý chất thải y tế nói chung và rác thải nhựa nói riêng luôn được Ban lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo sát sao. Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn đơn vị, Bệnh viện thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, truyền thông, lồng ghép nội dung về rác thải nhựa vào các hội nghị, hội thảo; tiến hành tổ chức ký cam kết giữa Ban Giám đốc Bệnh viện với Lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế để nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức trong công tác chống rác thải nhựa.
Trao đổi với phóng viên, Ông Vũ Văn Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sốc Cộp cho biết: “Để có thể hạn chế được lượng rác thải nhựa phát sinh hàng ngày ra môi trường, Bệnh viện đã sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh. Tại quầy dược, Bệnh viện cũng đã mua sắm túi giấy đựng thuốc để thay thế cho túi nilon. Khu vực căng tin, nhà ăn cũng đã sử dụng khay inox, bát sành để phục vụ nhu cầu ăn uống cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế”.
Tại các cuộc họp, Bệnh viện đã thay thế, sử dụng các chai thủy tinh đựng nước uống nhiều lần thay cho việc dùng nước đóng chai bằng nhựa; lắp đặt hệ thống Máy lọc nước RO, đặt kèm cốc thủy tinh, cốc inox tại hành lang bệnh viện để bệnh nhân thuận tiện sử dụng miễn phí. Việc làm này không chỉ thể hiện quyết tâm của bệnh viện trong việc loại bỏ dần rác thải nhựa ra môi trường mà còn giúp bệnh nhân tiết kiệm được tiền mua nước đóng chai bên ngoài.
Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, địa hình phức tạp và xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, đời sống của nhân dân nghèo nàn, trình độ dân trí không đồng đều, vì vậy việc thay đổi nhận thức trong phong trào “Chống rác thải nhựa” gặp nhiều khó khăn. Ban Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư từ các cấp ban ngành trong công tác chuyên môn cũng như bảo vệ môi trường, để nâng cao đời sống và sức khỏe của nhân dân huyện vùng cao biên giới này.
M.Hùng