Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh - điểm sáng trong công tác phục hồi chức năng của cả nước
Bác sĩ CKI. Lê Chánh Thành báo cáo công tác PHCN của tỉnh Hà Tĩnh |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, thời gian qua ngành đã định hướng phát triển công tác phục hồi chức năng trên cả hai lĩnh vực, đó là phát triển mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và chú trọng xây dựng, phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các tuyến. Đến nay, mạng lưới Phục hồi chức năng đã cơ bản được phủ khắp, toàn tỉnh có 1 Bệnh viện Phục hồi chức năng; có 2 khoa Phục hồi chức năng độc lập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền, 1 khoa Phục hồi chức năng lồng ghép tại Bệnh viện TTH; tuyến huyện có 14 khoa Phục hồi chức năng lồng ghép tại các Trung tâm y tế/ Bệnh viện tuyến huyện; có 216 trạm y tế thực hiện Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, 212 trạm y tế xã có cán bộ được đào tạo về phục hồi chức năng.
BS. CKII Nguyễn Thị Diện “Bệnh viện Phục Hồi chức năng tỉnh đã triển khai hơn 400 kỹ thuật PHCN theo danh mục của Bộ Y tế. Hiện bệnh viện tiếp tục tập trung phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, đặc biệt các kỹ thuật phục hồi sớm cho trẻ em” |
Công tác khám, chữa bệnh, PHCN đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số cơ sở phục hồi chức năng tuyến tỉnh đã phát triển và ứng dụng được các kỹ thuật điều trị chuyên sâu thuộc hạng kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến hiện nay, như kỹ thuật tập luyện trên hệ thống máy robot, các kỹ thuật điều trị bằng sóng xung kích, điều trị bằng laser, từ trường…
Đặc biệt, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã tập trung phát triển chuyên sâu về phục hồi chức năng, nhất là công tác phục hồi chức năng cho đối tượng trẻ em, đẩy mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật, phương pháp mới vào công tác điều trị và phục hồi chức năng. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng; chú trọng công tác phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật để góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Đặc biệt, công tác phát hiện sớm các rối loạn phát triển ở trẻ em đã mang lại những tác động hiệu quả nhất đối với sự phát triển của trẻ.
Bệnh viện Phục hồi chức năng khám sàng lọc người khuyết tật tại cộng đồng |
Trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện điều tra, thu thập thông tin người khuyết tật tại 216 xã/phường; đưa vào quản lý người khuyết tật bằng phần mềm trên 21 ngàn người; thực hiện khám sàng lọc, phân loại người khuyết tật cho trên 12 nghìn người bệnh tại cộng đồng.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phục hồi chức năng của Hà Tĩnh. PGS.TS. Trần Trọng Hải nhấn mạnh: “Tôi rất ấn tượng với Hà Tĩnh cả về công tác quản lý, phát triển mạng lưới; việc ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu về phục hồi chức năng trong điều trị và việc thực hiện phục hồi chức năng cho người tàn tật tại cộng đồng. Hà Tĩnh thực sự là một điểm sáng trong công tác phục hồi chức năng của cả nước. Thời gian tới, Hà Tĩnh cần tập trung hơn vào các hoạt động phục hồi chức năng tại cộng đồng và phải thực hiện theo đúng lộ trình mà các kế hoạch, dự án đã đề ra; tăng cường công tác đào tạo, giám sát xuống tuyến dưới. Đặc biệt, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ lâm sàng, dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại bệnh viện và các tuyến nhất là việc tuân thủ các quy trình chuyên môn mà Bộ Y tế đã ban hành”.
Đoàn kiểm tra sổ sách quản lý người tàn tật tại trạm y tế xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh) |
Thăm bệnh nhân Dioxin tại thôn Thanh Quang, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà |
Đoàn cũng đã đi kiểm tra, giám sát công tác quản lý bệnh nhân khuyết tật tại trạm y tế xã Thạch Hạ (Thành phố Hà Tĩnh), thăm nạn nhân chất độc dioxin tại xã Thạch Lạc (huyện Thạch Hà).
Các bệnh nhân đang điều trị phác đồ phục hồi |