Các biện pháp phòng chống đau mắt đỏ
Những ngày qua, người dân Hà Nội vô cùng lo lắng trước thông tin bùng phát dịch đau mắt đỏ. Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng, đó là thông tin chưa thực sự chính xác và khiến dư luận hoang mang.
TS.BS Lê Xuân Cung cho biết: “Thông thường, những thời điểm đỉnh dịch, số lượng bệnh nhân tăng khoảng trên 30% so với ngày thường. Còn trong khoảng 1 tuần trở lại đây số lượng bệnh nhân có tăng, nhưng chỉ nhỉnh hơn so với ngày thường khoảng 10% (150-200 bệnh nhân/ngày), như vậy chưa thể nói là bùng phát thành dịch được”.
Tuy số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ chưa phải là nhiều, nhưng theo TS Cung, ở vào thời điểm hiện tại với số lượng trên thì cũng có thể cho là “bất thường”.
Theo lý giải của TS Cung, thông thường bệnh đau mắt đỏ xuất hiện vào dịp hè, khi thời tiết nắng nóng, khói bụi nhiều… Tuy nhiên, hiện đang là mùa Xuân mà số lượng bệnh nhân bắt đầu tăng nhẹ, thì đó cũng là điểm bất thường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do thời tiết năm nay nắng nóng ngay trong những ngày đầu xuân, hơn nữa sau đợt nghỉ tết người dân quay trở lại làm thủ đô làm việc nhiều, lượng khói bụi ô nhiễm tăng lên, cùng với đó là việc giữ gìn vệ sinh của người dân chưa thật sự được chú trọng nên số người mắc bệnh đau mắt đỏ gia tăng.
BS Cung thông tin, số người đến viện đa số là ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… “Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân thường có các triệu chứng như đỏ mắt, cộm vướng, chảy nước mắt,…Khi thấy các triệu chứng trên, nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sau khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày sẽ khỏi”.
“Các biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ thường hay nhầm lần với các bệnh về mắt khác như: viêm màng bồ đào, glôcôm, viêm loét giác mạc…bởi vậy khi có các triệu chứng như trên, người dân cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị đúng thuốc, nếu tự ý mua thuốc điều trị sẽ khiến bệnh nặng thêm”, BS Cung khuyến cao.
Để phòng căn bệnh này, TS Cung cho rằng, do bệnh đau mắt đỏ lây qua dịch tiết, đường hô hấp, vì thế việc vệ sinh cá nhân, giữ đôi mắt sạch sẽ là biện pháp phòng bệnh hàng đầu.
Đặc biệt, mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi khỏi 1 tuần. Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ nên nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến chỗ đông người để tránh lây lan.
Cuối cùng, TS Cung cảnh báo, hiện có nhiều người dân khi mắc bệnh thường áp dụng một số biện pháp dân gian, trong đó phổ biến nhất là việc hơ lá trầu khâu đắp lên mắt là vô cùng nguy hiểm.
“Việc hơ lá trầu không rồi đắp lên mắt là hết sức nguy hiểm, việc làm này có thể gây bỏng giác mạc, viêm loét, gây nhiễm trùng, bội nhiễm làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Tóm lại, viêm kết mạc cấp là bệnh không nguy hiểm, có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ”, TS Cung nhấn mạnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/ nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Phúc Lâm