Cần làm rõ trách nhiệm của Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên trong cái chết của sản phụ (bài 2): Thiếu khách quan trong công bố nguyên nhân?
Biên bản họp Hội đồng khoa học, kỹ thuật làm việc trong thời gian từ 11 giờ và kết thúc lúc 12 giờ 40 phút ngày 8.12.2016. Sau khi nghe báo cáo tóm tắt, báo cáo tường trình tiếp thu ý kiến thành viên hội đồng. Hội đồng KHKT bệnh viện kết luận: “Khi bệnh nhân xuất hiện các biến chứng gây rối loạn nhịp tim, rối loạn hô hấp (SPO2 giảm nhanh, toàn thân tím, nhịp tim chậm…) nhóm bác sỹ phẫu thuật và gây mê khẩn trương tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn và hô hấp, đồng thời hội chẩn nhanh trong mổ đưa ra chẩn đoán sơ bộ ban đầu nghi tắc mạch ối, trong và sau phẫu thuật đã chỉ định làm thêm các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán và hồi sức”.
Văn bản của Sở Y tế gửi Bộ Y tế
Trong phần kết luận bệnh viện Đa khoa Phúc Yên nêu: “Không có thiếu sót trong quá trình tiếp đón và điều trị cho bệnh nhân. Nên bài học kinh nghiệm: Đây là một bệnh lý khó không có tiền triệu, triệu chứng báo trước nên việc điều trị, cấp cứu luôn bị động… qua sự việc này các bác sỹ cần học tập, nâng cao trình độ chuyên môn thường xuyên cập nhật thông tin, tiến bộ y tế, tập huấn phác đồ cấp cứu tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Vậy biên bản của Bệnh viện Đa khoa Yên Phúc có phải là biên bản hội đồng chuyên môn hay không? Nếu là biên bản hội đồng chuyên môn thì không đúng theo quy định tại Điều 75, Luật khám chữa bệnh về thành phần tham dự.
Theo nội dung công văn số 291/BC-SYT của Sở Y tế ngày 15.12.2016, gửi Bộ Y tế về trường hợp sản phụ tử vong sau mổ đẻ tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên có đoạn: “Ngày 8.12.2016, hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên đã họp và đưa ra kết luận: Nguyên nhân ngừng tuần hoàn nghĩ đến tắc mạch ối, bệnh diễn biến quá nhanh mặc dù các bác sỹ hết sức khẩn trương xử trí khi bệnh có diễn biến xấu, kịp thời xin ý kiến hỗ trợ từ các chuyên gia của bệnh viện Bạch Mai và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai an toàn để tiếp tục hồi sức tích cực chuyên sâu, nhưng bệnh tắc mạch ối là một bệnh nặng tỷ lệ tử vong cao, tình trạng bệnh quá nặng nên đã không qua khỏi”.
Phần kết luận cũng nêu rõ: “Bệnh viện đã chủ động liên hệ - xin ý kiến kịp thời trung tâm cấp cứu Bạch Mai”. Tuy nhiên, khi trao đổi với Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai thì ông Hùng nói: “Bệnh viện không nắm được gì về tình trạng trước đó của bệnh nhân. Chỉ biết trong giai đoạn bệnh nhân được chuyển đến và gia đình xin về”. Như vậy là có sự trái ngược thông tin từ phía hai bệnh viện
Về vụ việc này chúng tôi đã liên hệ với Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, sau rất nhiều lần liên hệ. Tới tận chiều ngày 10.1.2017, ông Lê Anh Tuấn – Chánh văn phòng Sở mới tiếp nhóm phóng viên và trao đổi về vụ việc. Ông Tuấn cho biết: “Về đề nghị cung cấp tài liệu thì Sở phải dựa vào quy chế chuyên môn của Ngành Y tế trong việc cung cấp hồ sơ bệnh án cho báo chí”. Đến hiện tại Sở cũng chỉ có mỗi báo cáo gửi Bộ Y tế có thể cung cấp cho báo chí. Còn quan điểm của Sở không bao che, dung túng cái sai nếu phát hiện. Đồng thời chỉ đạo việc thăm hỏi, động viên với gia đình bệnh nhân khi xảy ra tai biến trong quá trình điều trị dẫn đến hậu quả tử vong trong trường hợp bất khả kháng.
Từ những vấn đề trên, đề nghị Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Y tế vào cuộc điều tra làm rõ và xác định nguyên nhân tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Kha trả lời dư luận một cách công khai, minh bạch, khoa học để không còn những hoài nghi về cái chết của sản phụ tại bệnh viện.
Theo điều 75, Luật Khám chữa bệnh quy định thành phần, nguyên tắc hoạt động và nhiệm vụ của hội đồng chuyên môn như sau
1.Thành phần của hội đồng chuyên môn bao gồm:
a) Các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp;
b) Các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác có liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh;
c) Luật gia hoặc luật sư.
2. Hội đồng chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình.
3. Hội đồng chuyên môn căn cứ vào các quy định tại Điều 73 của Luật này có trách nhiệm xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
4. Kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề.
5. Kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập quy định tại điểm b khoản 2 Điều 74 của Luật này là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Nhóm phóng viên