Châu Á đứng đầu về tốc độ già hóa dân số
(SK&MT) - Tăng trưởng nhanh chóng trong mấy thập niên qua ở Châu Á được thúc đẩy nhờ lực lượng lao động giá rẻ đông đảo. Tuy nhiên xu hướng đó đang bị đảo ngược. Đó là nhận định trong báo cáo kết quả nghiên cứu của “Trung tâm Châu Á- Thái Bình Dương về Nguy cơ” công bố hôm 24/8/2016.
Nếu như già hóa dân số thường được biết đến như một vấn đề có từ lâu của các nước châu Âu, châu Mỹ thì giờ đây, vấn đề này đang trở thành thách thức đối với dân số của cả các nước châu Á.
Kinh tế phát triển và sự thay đổi trong quan niệm sống khiến tỉ suất sinh tại châu Á đang chậm lại đáng kể. Hệ quả tất yếu là dân số già đi nhanh chóng. Theo Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi Quốc tế, năm 2015, châu Á đứng đầu về tốc độ già hóa dân số. Số người trên 60 tuổi tại châu lục này chiếm tới 52% số người cao tuổi trên toàn cầu. Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia đầu tiên với số người siêu cao tuổi, chiếm đến 28% dân số vào năm 2030; trong khi đó ở những nơi như Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan tỷ lệ này là 1/5, tức 20%.
Hiện nay, khu vực Đông Á đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước đến nay với 36% dân số ở độ tuổi hơn 65 (khoảng 211 triệu người). Dự báo đến năm 2040, khu vực này sẽ có khoảng nửa tỷ người hơn 65 tuổi. Một số nước sẽ bị giảm 15% lực lượng lao động từ nay tới năm 2040.
Số liệu của LHQ năm 2016 cũng cho thấy, trong top 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, một nửa là các nước châu Á, thậm chí Hàn Quốc, Singapore còn đứng đầu danh sách. Thái Lan xếp thứ 6 và Trung Quốc ở vị trí thứ 10. Dự kiến đến năm 2050, số người cao tuổi tại châu Á sẽ tăng gấp 5 lần và sẽ chiếm tới 2/3 số người cao tuổi trên thế giới.
Dân số thế giới đang già đi quá nhanh mà hầu hết các quốc gia không chuẩn bị để trợ giúp số người cao tuổi. Theo LHQ thì vào năm 2050, lần đầu tiên trong lịch sử, người cao niên trên 60 tuổi sẽ nhiều hơn số trẻ em dưới 15. Báo cáo dự đoán vào năm 2050, tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 8 năm, lên 76,2 năm so với mốc 68,6 năm của năm 2015. Tới 8,5% người dân trên toàn thế giới, tương đương 600 triệu người, thuộc vào nhóm tuổi 65 hoặc trên 65. Nếu xu thế này tiếp tục, vào năm 2050, nhóm này sẽ chiếm tới 17% dân số toàn cầu, tương đương 1,6 tỉ người. Nhóm dân cư cao tuổi nhất của dân số thế giới bao gồm những người 80 tuổi và trên 80 tuổi, được dự đoán sẽ tăng hơn gấp 3, từ 126,5 triệu người trong năm 2015 lên 446,6 triệu người vào năm 2050.
Tốc độ già hóa dân số nhanh trên quy mô lớn đang tạo ra thách thức về chính sách, áp lực kinh tế và tài khóa cũng như các rủi ro xã hội khác. Chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên mức 8-10% GDP vào năm 2070; chi phí chữa bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh mạn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi phí khám, chữa bệnh vào năm 2030. Nếu không cải cách, lớp người cao tuổi (NCT) sẽ ít được chăm sóc hơn. Tốc độ già hóa tại mỗi nước khác nhau và đòi hỏi những chính sách cứng rắn trên các lĩnh vực hưu trí, y tế, thị trường lao động…
Với một cơ cấu dân số già hóa quá nhanh, ngành y tế của nhiều nước đứng trước yêu cầu cấp bách về cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, hệ thống kiểm tra sức khỏe nhằm đảm bảo cuộc sống cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế, già hóa dân số tạo gánh nặng lên hệ thống lương hưu và an sinh xã hội của nhiều nước. Hiện tượng này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư, thị trường lao động. Cuối cùng, dân số già hóa hơn hết tạo thách thức cho chính mỗi gia đình khi nhiều người già không có thu nhập hay lương hưu, phải sống dựa vào con cháu.
Báo cáo của “Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương về Nguy cơ” đưa ra cảnh báo là chính quyền các nước cần đầu tư cho vấn đề chăm sóc người cao tuổi. Mức như hiện nay là không bền vững vì chi phí thuốc men đang tăng nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn thiếu một cơ chế an sinh xã hội cơ bản cung cấp thu nhập, chăm sóc sức khỏe và nhà ở cho người cao tuổi.
Linh Đức