Châu Âu trải qua những ngày nắng nóng bất thường, khắc nghiệt nhất
Nắng nóng thiêu đốt châu Âu, cháy rừng ở Bồ Đào Nha làm 29 người bị thương
Trong ngày 12/7, nắng nóng ở Bồ Đào Nha đã buộc nhà chức trách phải đặt hơn một nửa diện tích toàn lãnh thổ vào tình trạng "cảnh báo đỏ," cũng như triển khai hàng trăm lính cứu hỏa để ứng phó nạn cháy rừng.
Nhiệt độ trên toàn Bồ Đào Nha được dự báo sẽ tăng cao hơn 40 độ C, khiến người dân phải tìm mọi cách hạ nhiệt như uống nhiều nước, hay tới khu vực ven sông hay bãi biển.
Nước láng giềng của Bồ Đào Nha là Tây Ban Nha thậm chí còn hứng chịu thiệt hại nặng nề hơn do nắng nóng. Nền nhiệt ở một số khu vực miền Tây của Tây Ban Nha đã vượt 42 độ C, trong khi vùng Madrid ghi nhận nhiệt độ hơn 38 độ C.
Tại Pháp, đợt nắng nóng tăng đột biến sau tháng 5 ấm nhất và khô hạn nhất của đất nước được ghi nhận. Cơ quan thời tiết quốc gia của nước này cho biết đây là đợt nắng nóng sớm nhất kể từ năm 1947.
Một quốc gia nổi tiếng có khí hậu tương đối dễ chịu là Anh cũng đang trải qua đợt nắng nóng bất thường, khi nhiệt độ ở thủ đô London đã vượt quá 31 độ C, trong khi nhiệt độ ở khu vực Đông Nam nước này lên tới 35 độ C.
Cơ quan khí tượng Anh hôm 11/7 đã phải gia hạn cảnh báo tình trạng nắng nóng nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo một số người dân có nguy cơ mắc bệnh nặng thậm chí tử vong do thời tiết.
Cảnh báo hạn hán là một mối quan tâm gia tăng ở phần lớn Tây Âu, vì không có lượng mưa đáng kể nào được dự báo ở châu Âu trong những ngày tới, ngoài những cơn giông bão bị cô lập.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, các khu vực rộng lớn từ đông nam Trung Âu đến tây bắc Biển Đen cũng đang bị hạn hán, đồng thời cho biết thêm rằng ở Mỹ, phần lớn phía tây của đất nước đang phải đối mặt với năm hạn hán thứ hai hoặc thứ ba liên tiếp, với lo ngại về căng thẳng nước ngày càng tăng khi bước vào mùa hè.
Hai hồ chứa lớn nhất ở Mỹ, Hồ Mead và Hồ Powell, ở Arizona, hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi chúng được lấp đầy: cả hai đều chỉ ở mức dưới 30% công suất.
MẠNH HIỆP