Chiến lược giúp Trung Quốc chế ngự chủng Delta
Trung Quốc ngày 23/8 thông báo không ghi nhận ca nhiễm nCoV cộng đồng nào lần đầu tiên trong vòng một tháng, dù nước này vừa hứng chịu đợt bùng phát dịch nghiêm trọng do biến chủng Delta lây lan nhanh. Thành công này được cho là nhờ Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi chiến lược tiếp cận "không Covid", giữa lúc phương pháp này đang gây tranh cãi tại nhiều quốc gia.
Đợt sóng lây lan của biến chủng Delta bùng lên ở Trung Quốc từ ngày 20/7, khi một ổ dịch được phát hiện trong đội ngũ nhân viên vệ sinh tại sân bay thành phố Nam Kinh. Ổ dịch sau đó lan rộng tới hơn một nửa trong số 31 tỉnh thành của đất nước, trở thành đợt bùng phát tồi tệ nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2020, với hơn 1.200 ca nhiễm. Các ca nhiễm tăng vọt trong thời gian ngắn do chủng Delta được coi là thách thức lớn nhất đối với chiến lược "không Covid" mà Bắc Kinh lâu nay theo đuổi.
Trong bối cảnh đó, chính quyền đóng biên với hầu hết người nước ngoài, thực hiện cách ly nghiêm ngặt ca nhiễm, phong tỏa diện hẹp, dồn nhiều nguồn lực cho công tác xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc nhằm phát hiện nhanh chóng bóc tách người có nguy cơ lây nhiễm.
Trong hơn một năm, những biện pháp kể trên giúp Trung Quốc kiềm chế thành công dịch bệnh, dù vài đợt bùng phát lẻ tẻ xuất hiện.
Ngoài những biện pháp truyền thống, nhà chức trách còn sử dụng dữ liệu lớn để "nhanh chóng xác định các khu vực có nguy cơ", cô lập những nhóm nguy cơ cao trong các khu tập trung và đẩy nhanh tốc độ chia sẻ thông tin giữa các vùng, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).
Hàng chục quan chức đã bị kỷ luật vì xử lý không kịp thời các ổ dịch ở địa phương. Hồi đầu tháng, Fu Guirong, giám đốc ủy ban y tế Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, bị cách chức sau khi thành phố báo cáo các ca nhiễm mới. Năm ngoái, bà Fu từng được trao giải thưởng quốc gia vì những đóng góp cho nỗ lực chống dịch.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không ngừng thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng. Tính đến 22/8, nước này đã tiêm được hơn 1,94 tỷ liều vaccine Covid-19 nội địa.
Theo Fang Zihao, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Koc ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), chiến lược "không Covid" vẫn hiệu quả trước biến chủng Delta và việc Trung Quốc có thể nhanh chóng đưa số ca nhiễm về 0 đã chứng minh điều đó.
Theo thống kê từ giới chức, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Trung Quốc giảm xuống mức một con số từ tuần trước sau khi chạm đỉnh hồi đầu tháng. Cuối tuần qua, chính quyền đã dỡ bỏ phong tỏa một số khu vực ở thủ đô Bắc Kinh cũng như tại Vũ Hán và Kinh Môn ở tỉnh Hồ Bắc. Tứ Xuyên cho phép các công ty lữ hành nối loại những tour du lịch ra ngoài tỉnh, song vẫn cấm đến những địa điểm được xác định là có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phải chấp nhận trả giá về kinh tế để đạt được chiến thắng này. Các nhà kinh tế dự đoán các biện pháp mạnh tay có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng tới. "Dù các ca nhiễm mới đã giảm mạnh và ngày càng có thêm nhiều người được tiêm chủng, chúng tôi nghĩ rằng các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19 vẫn sẽ tồn tại lâu dài, tác động tới tiêu dùng và tâm lý người dân, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ", ngân hàng đầu tư UBS nhận định trong một báo cáo phân tích hồi tuần trước.
Đợt bùng phát mới nhất cũng dẫn tới một cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có nên bắt đầu học cách sống chung với Covid-19 hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia giờ đây có đủ cơ sở để cho rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi chiến lược "không Covid" ít nhất là trong tương lai gần. "Dù chính sách ứng phó Covid-19 hiện nay của Trung Quốc gây ra nhiều gián đoạn và tốn kém, họ đã thiết lập được một loạt biện pháp hiệu quả mà tôi không nghĩ sẽ dễ dàng bị loại bỏ", Zhengming Chen, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Oxford, Anh, đánh giá. "Người dân về cơ bản đã quen với những biện pháp này và không phàn nàn nhiều. Hiệu quả của những các biện pháp đó đã được thấy rõ, thể hiện ở số ca nhiễm gần đây giảm đáng kể"./.
Linh Đức