Đan Phượng (Hà Nội): Xã, Huyện “bất lực” hay “phớt lờ” cho lò mổ vi phạm? (Bài 2)
Như Sức khỏe & Môi trường điện tử đưa tin, khu chăn nuôi và giết mổ của ông Trần Văn Thắng (SN 1970, ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội) xây dựng nhà xưởng bằng khung thép chắc chắn trên đất nông nghiệp với diện tích hàng nghìn m2. Điều đáng nói, những vi phạm trên vẫn được lãnh đạo xã Thọ An, lãnh đạo huyện Đan Phượng “làm ngơ” nhiều năm.
Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Trần Quyết – Chủ tịch UBND xã Thọ An và ông Bùi Văn Hoa – Phó phòng TNMT huyện Đan Phượng. Cả 2 vị lãnh đạo này đều thừa nhận hành vi sai phạm của ông Trần Văn Thắng.
Mặc dù thừa nhận sai phạm, nhưng trước thời gian kéo dài nhiều năm nay, các vị lãnh đạo vẫn để yên. Hoặc nếu có, thì là những Quyết định xử phạt hành chính mang tính “hoàn chỉnh hồ sơ”.
Theo đó, khu vực khu chăn nuôi và giết mổ của hộ gia đình ông Trần Văn Thắng được xây dựng từ năm 2012. Ngày 3/4/2012, UBND xã Thọ An tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong biên bản nêu rõ hành vi vi phạm: “xây dựng và giết mổ gia súc, gia cầm trên đất nông nghiệp. Diện tích cụ thể: dài 27m, rộng 11m, cao 2.8m…”. Đồng thời yêu cầu ông Trần Văn Thắng phải đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Yêu cầu phải tự tháo rỡ công trình vi phạm trước ngày 9/4/2012
Đến ngày 9/4/2012, UBND xã Thọ An, ra Quyết định số 36/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ ông Trần Văn Thắng. Mặc dù các hành vi, vi phạm của ông Thắng đã hoàn toàn rõ ràng, nhưng UBND xã lại ra mức xử phạt dưới hình thức “Cảnh cáo” và buộc khôi phục trả lại tình trạng của đất nguyên trạng ban đầu.
Trong Quyết định này cũng nêu rõ: “Ông Trần Văn Thắng phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt trong 10 ngày…Nếu hộ gia đình ông Trần Văn Thắng cố tình không chấp hành Quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành”.
Hiện tại đã quá hạn vài trăm lần mốc 10 ngày mà UBND xã Thọ An yêu cầu, nhưng hộ gia đình ông Thắng vẫn “phớt lờ”. UBND xã vẫn không hề có bất kỳ động thái nào để ngăn chặn vi phạm. Thậm chí ông Thắng còn tiếp tục vi phạm thêm.
Quyết định số 32/QĐ-XPVPHC, xử phạt ông Trần Văn Thắng về những hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Quyết định này cũng chưa được UBND xã Thọ An thực hiện.
Năm 2015, ông Thắng xây dựng thêm nhà xưởng khung thép mái tôn trên đất nông nghiệp với chiều dài 40m, rộng 13.6m, diện tích lợp mái tôn vào phần đất do UBND xã quản lý dài 40m, rộng 2m.
Ngay lập tức, UBND xã Thọ An lại tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính. Đồng thời ngày 13/7/2015, UBND xã Thọ An ra Quyết định số 32/QĐ-XPVPHC, xử phạt ông Trần Văn Thắng về những hành vi vi phạm của mình.
Mức phạt lần này đưa ra tiếp tục ở mức “Cảnh cáo”, đồng thời yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, nếu không xẽ bị cưỡng chế.
Và tiếp tục 2 năm trôi qua, những vi phạm trên một lần nữa lại bị phớt lờ. Liệu rằng UBND xã Thọ An, phải “cảnh cáo” ông Thắng bao nhiêu lần? Phải hạ quyết tâm bao nhiêu lần thì mới có thể xử lý được những vi phạm trên?
Trước câu hỏi về tính pháp lý của các Quyết định trên, ông Nguyễn Trần Quyết – Chủ tịch UBND xã khẳng định các Quyết định xử phạt đều có tính pháp lý. Nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Trước tình hình vi phạm kéo dài, đã khiến nhiều người dân trên địa bàn xã Thọ An nghi ngờ việc ông Thắng được lãnh đạo địa phương “chống lưng”, nên mới có thể hoạt động một cách “bất chấp các quy định” của nhà nước.
Một góc lò mổ tiếp giáp với khu nuôi nhốt, bốc mùi hôi thối, khó chịu
Qua ghi nhận thực tế của PV, thì nhà xưởng chăn nuôi và giết mổ của ông Trần Văn Thắng vẫn nguyên hiện trạng. Nhà xưởng được làm bằng khung thép có mái tôn chắc chắn. Tại nhà xưởng này, chia làm hai khu đó là khu chăn nuôi bò rộng lớn với số lượng khoảng hơn 200 con, và khu giết mổ thủ công nhếch nhác.
Tiếp cận khu vực chăn nuôi, có nhiều loại bò đang được nuôi tại đây. Công nông chở thân cây chuối ra vào liên tục. Có gần chục người đang tiến hành sơ chế thân cây chuối làm thức ăn cho bò.
Trong khu vực nhà xưởng có máy chế biến cám thành phẩm. Cách đó không xa là bể nước để sử dụng cho bò uống. Được biết, nước được hút lên từ giếng khoan, sau đó cho qua bể lọc nhỏ, nổi váng vàng khè.
Ở phía trước khu nhà xưởng là nơi giết mổ bò. Tại đây, có lồng nhốt bò để thực hiện việc giết mổ, cụ thể là bắn điện. Và một mô – tơ điện để kéo con bò khỏi khu vực bị bắn điện chết.
Sức khỏe & Môi trường tiếp tục thông tin./.
Hà Điệp