Đánh giá tiềm năng, khai mở nguồn tài nguyên mới bền vững, có hiệu quả
(SK&MT) - Điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản đã góp phần vẽ nên bức tranh tổng quan về nguồn tài nguyên của đất nước. Từ đó, đưa ra định hướng khai thác, sử dụng, dự trữ khoáng sản một cách bền vững, có hiệu quả.
Thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sau 10 năm thực hiện, Việt Nam đã hoàn thành 14 đề án với tổng diện tích là 42.550 km2, nâng tổng diện tích đã lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản lên 242.445 km2, đạt 73,19% diện tích đất liền, diện tích đã lập bản đồ tăng lên 12,84% so với trước khi thực hiện Quy hoạch.
Từ các kết qua này, đã phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại, khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên. Có thể kể đến quặng sắt ở Tân An (Yên Bái); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin - felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Rá, Kon Tum); đá ốp lát ở Gia Lai và nhiều nơi khác…
Việc điều tra địa chất – khoáng sản biển có nhiều khó khăn hơn song là công việc rất cần thiết nhằm hiểu rõ về tài nguyên vùng biển khơi và góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tính đến năm 2020, công tác điều tra địa chất – khoáng sản biển, công tác điều tra địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường và tai biến địa chất vùng biển Việt Nam từ 0-30m nước tỷ lệ 1:100.000 đã hoàn thành trên diện tích 18.388 km2.
Thực hiện “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã hoàn thành được 01 đề án trên diện tích 22.500 km2 (60-100m nước) và đang trong quá trình triển khai 02 đề án (50-300m nước và 500-2.500m nước) trên diện tích 266.050 km2. Công tác điều tra địa chất khoáng sản biển đã thực hiện được các nhiệm vụ ngoài 30m nước nhằm mở rộng diện tích điều tra ở độ sâu lớn hơn, đối tượng khoáng sản mới và nằm ở xa hơn, sâu hơn (băng cháy, quặng sắt - mangan kết hạch,…), góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Điều tra địa chất và khoáng sản dựng nên bức tranh tổng thể về nguồn tài nguyên của đất nước
Tìm kiếm những nguồn tài nguyên mới
Trong một thập kỷ qua, hàng loạt các đề án điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản đã được thực hiện. Từ đó, xác định được bức tranh tổng thể về nguồn tài nguyên khoáng sản nước ta.
Thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đến năm 2020 đã hoàn thành 22 đề án đánh giá khoáng sản từ ngân sách nhà nước. Chúng ta đang triển khai các đề án đánh giá tổng thể khoáng sản vùng Tây Bắc và vùng Trung Trung Bộ, trong đó có các đề án điều tra, đánh giá các loại khoáng sản tại các tỉnh phía Bắc, cát trắng dải ven biển miền Trung.
Các điều tra, đánh giá tập trung vào các khoáng sản như đất hiếm, sắt - mangan, đồng, vàng, thiếc - wolfram, antimon, khoáng chất công nghiệp (kaolin, felspat, thạch anh, quarzit, apatit,…), đá cảnh, đá ốp lát, nước khoáng - nóng (địa nhiệt); các đề án đánh giá khoáng sản thiếc - wolfram vùng Lâm Đồng - Khánh Hòa, đá hoa trắng các tỉnh phía bắc, cát trắng dải ven biển miền Trung. Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m hoặc hơn gồm: đánh giá than nâu vùng Thái Bình - Nam Định (độ sâu khoan đến 1100m); vàng Yên Sơn (đo địa vậy lý đến 1000m, khoan đến 450m), đồng ở Bát Xát, Lào Cai (đo địa vậy lý đến 1000m, khoan đến 300m), đồng ở Kon Rẫy, Kon Tum (đo địa vật lý đến 1000m, khoan đến 300m),…
Đến nay, hầu hết các khoáng sản quan trọng, chiến lược đã được điều tra, đánh giá. Kết quả, phát hiện và xác định được tài nguyên các khu vực khoáng sản có triển vọng gồm: đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu, vàng ở Yên Sơn (Tuyên Quang), Lục Yên (Yên Bái), Yên Thổ (Cao Bằng), Mường Tè (Lai Châu), đồng ở Bát Xát (Lào Cai), felspat ở Bắc Yên (Sơn La), đá cảnh ở Thanh Sơn (Phú Thọ), cát trắng ở ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đá ốp lát ở Gia Lai,…
Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m, gồm than nâu vùng Thái Bình - Nam Định (khoan sâu đến 1100m); vàng Yên Sơn (đo địa vậy lý đến 1000m, khoan sâu đến 450m), đồng ở Bát Xát, Lào Cai (đo địa vậy lý đến 1000m, khoan đến 300m), đồng ở Kon Rẫy, Kon Tum (đo địa vật lý đến 1000m, khoan đến 300m). Trong đó, một số loại khoáng sản quan trọng, có tiềm năng lớn đã phát hiện và xác định tài nguyên gồm: than nâu ở đồng bằng Sông Hồng (6,7 tỷ tấn trên diện tích 265km2 tại Đông Hưng - Tiền Hải, Thái Bình); quặng bauxit ở Tây Nguyên (1,8 tỷ tấn quặng tinh); quặng titan (557 triệu tấn quặng tinh); vàng (5.400 kg); kaolin - felspat (hơn 23 triệu tấn quặng); đá ốp lát (hơn 43 triệu m3),…
PV