Đề phòng những loại bệnh dễ gặp khi thời tiết nắng nóng
Ngay trong những ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận khoảng 30-40 bệnh nhân bị đột quỵ (tăng 15-20% so với bình thường), trong đó có một nam bác sĩ, 31 tuổi, làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội tử vong. Bệnh nhân này đột ngột ngã xuống khi đang chơi bóng đá giữa trời nắng rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê, ngừng tuần hoàn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết não. Mặc dù được cấp cứu nhanh chóng nhưng do ổ vỡ quá lớn nên bệnh nhân đã tử vong.
Chịu khó tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe
Đề cập đến trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích, trận bóng và thời tiết không phải là nguyên nhân chính nhưng là yếu tố dẫn đến đột quỵ đối với những người có bất thường về mạch máu não. Điều đó cũng lý giải vì sao, khi thời tiết nắng nóng bất thường, những người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… là đối tượng dễ bị đột quỵ. “Nhiều người quan niệm mùa đông thời tiết lạnh thì nguy cơ xảy ra các bệnh huyết áp, tim mạch, đột quỵ… cao hơn mùa hè là một sai lầm. Việc vận động với cường độ mạnh trong thời tiết nắng nóng bất thường rất nguy hiểm. Bởi vì khi môi trường có nhiệt độ cao hơn cơ thể dễ xảy ra hiện tượng sốc nhiệt, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê”, PGS.TS Nguyễn Văn Chi nói.
Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 3.000-4.000 trẻ tới khám và điều trị các bệnh lý về hô hấp như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… Đặc biệt, những ngày nắng nóng bất thường, bệnh viện liên tục tiếp nhận trẻ bị viêm não, viêm màng não. Hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 30 trẻ bị viêm não, viêm màng não, trong đó có nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, rơi vào trạng thái hôn mê. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 ca viêm não, viêm màng não. Hằng năm, thông thường từ tháng 5 đến tháng 8, tỷ lệ trẻ bị viêm não tăng cao, đặc biệt là viêm não Nhật Bản. Trẻ mắc viêm màng não đứng thứ ba trong số các bệnh lý vào viện điều trị và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai cho trẻ dưới 5 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh sớm thì việc điều trị đơn giản và hiệu quả hơn.
Thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến các bệnh về mắt gia tăng. Tại Bệnh viện Mắt trung ương, bình thường tiếp nhận từ 800-1.000 bệnh nhân/ngày. Thế nhưng, từ khi bước vào đợt nắng nóng đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám mắt liên tục tăng, ngày đông nhất tiếp nhận đến 1.600 bệnh nhân, thậm chí lúc cao điểm dự báo có thể lên tới gần 3.000 bệnh nhân/ngày. Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, bệnh nhân đến khám mắt thời gian này phần lớn là viêm kết mạc dị ứng, đau mắt đỏ, khô mắt... Nguyên nhân là do thời tiết nóng bức mùa hè, cộng với tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi… ảnh hưởng đến mắt.
Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Hà Đông gần đây đã ghi nhận rải rác những trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Đông) lưu ý, có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng biến chứng do tự ý điều trị. Khi bị đau mắt đỏ, nhiều người đã tự ý dùng các thuốc chống viêm có chứa corticoid nhỏ mắt và đã bị các biến chứng như: Viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể, glocom… gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
Sử dụng đa dạng các loại hoa quả, giúp cơ thể giải nhiệt và bổ sung nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.
Để phòng chống tai biến, đột quỵ, sốc nhiệt vào mùa nóng, PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, vào những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ vượt quá sức chịu đựng của cơ thể thì phải tạm dừng các hoạt động ngoài trời, nhất là trong khoảng thời gian từ 12h-16h. Bên cạnh đó, bảo đảm cơ thể đủ nước nhưng không nên uống nước quá lạnh. Trong chế độ ăn uống cần tăng cường đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng. Khi sử dụng điều hòa, tốt nhất nên bật ở mức từ 25 đến 27 độ C (chênh lệch không vượt quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời). Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Riêng với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao trong những ngày đầu hè, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện phải bố trí đủ cơ số thuốc, giường bệnh, sẵn sàng phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra. Mặt khác, lên kế hoạch tiếp nhận, cách ly và điều trị các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào mùa hè, như: Viêm não, sốt xuất huyết, tay chân miệng… Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc tích cực vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày, thường xuyên vận động, tập thể dục, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế uống rượu và hút thuốc, giữ tinh thần lạc quan… Đó chính là “chìa khóa” để có cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần và đẩy lùi bệnh tật.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương khuyến cáo, những ngày nắng nóng, khi ra ngoài trời hãy mặc áo dài tay, đeo khẩu trang, đội mũ rộng vành, đeo kính râm. Điều này sẽ góp phần ngăn cản sự tác động của tia cực tím UV tới làn da. Ngoài ra, cần bôi kem chống nắng 30 phút trước khi đi ra ngoài. Cứ 2-3 tiếng cần bôi lại kem chống nắng một lần.
Hà Điệp