Dược liệu không rõ nguồn gốc tung hoành tại Chùa Hương
Tràn lan dược liệu 3 “không”
Đến lễ hội Chùa Hương vào những ngày đầu năm, hẳn nhiều du khách hoa mắt trước những quầy hàng bày bán la liệt “thuốc đông y”, dược liệu. Tại đây, hiện có khoảng 10 điểm bán các sản phẩm giống thuốc y học cổ truyền được đóng gói, đóng chai hoặc bán theo cân. Kèm theo mỗi loại sản phẩm là biển quảng cáo viết tay với nội dung: Thuốc chữa đau lưng, đau dây thần kinh, thuốc chữa đau đại tràng, thuốc chữa sâu răng, thuốc chữa đau dạ dày, mỡ máu, mát gan, chữa bệnh yếu sinh lý…. Điều đáng nói, trên các sản phẩm này đều không có thành phần, xuất xứ, hạn sử dụng mà chỉ ghi tác dụng chữa bệnh, cách dùng.
Men theo con đường từ chân đền Thiên Trù đi lên động Hương Tích, có một số quầy hàng, điểm bán lẻ bán các loại lá cây khô, rễ cây, củ cho tới những loại bột với nhiều màu khác nhau. Các loại cây cỏ, bột thuốc này được người bán quảng bá trị đủ bệnh, từ sỏi thận, hôi chân cho tới bệnh gan, đau đầu, xương khớp... Theo quan sát, các loại thuốc này đều được đựng trong túi nilon trong suốt, không có xuất xứ, thời hạn sử dụng.
Tại khu di tích chùa Hương có khoảng 10 điểm bán dược liệu.
Để tìm hiểu thêm thông tin, PV ghé vào một điểm bán dược liệu để mua thuốc trị đau dạ dày. Tại đây, PV được người bán hàng đưa cho một túi ni lông đã đóng sẵn loại thuốc bột màu vàng. Trên gói thuốc này chỉ ghi tác dụng chữa các loại bệnh và hướng dẫn cách dùng, tuyệt nhiên không ghi nguồn gốc xuất xứ hay thời hạn sử dụng.
Người bán hàng phán “muốn chữa được bệnh dạ dày anh phải kiên trì dùng thuốc, ít nhất phải 3 tháng mới có kết quả. Với thuốc dạng bột này, chỉ cần cho bột vào nước nguội sau đó hòa tan là có thể uống được. Với liệu trình 3 tháng thì anh phải dùng 12 gói”. Khi được hỏi về giá, người bán cho biết, mỗi gói thuốc có giá 100 nghìn đồng.
Nguồn gốc của dược liệu thì không có giấy chứng minh, còn người bán cũng chả cung cấp giấy chứng chỉ hành nghề nào để cho thấy họ có đủ chuyên môn bán dược liệu. Thế nhưng, họ cứ vô tư hướng dẫn người mua cách sử dụng bằng kinh nghiệm. Mặc dù không biết rõ về thành phần, xuất xứ, thậm chí vẫn còn lơ mơ về công dụng của các sản phẩm được gọi là “thuốc đông y” “thuốc gia truyền”… được bày bán ở các điểm di tích, cổng đền, chùa, song không ít người vẫn tin và mua theo lời quảng cáo của người bán. Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở quận Hà Đông, Hà Nội – khách tham quan chùa Hương bộc bạch “nghe quảng cáo sản phẩm có tác dụng chữa bệnh, lại thấy nhiều người mua nên tôi mua về dùng thử xem sao. Người bán nói toàn tên cây thuốc, tôi cũng chịu, không biết cây gì”.
Vẫn khó xử lý
Bên cạnh những băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì khâu bảo quản cũng là một vấn đề đáng được quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền. Bác sĩ Vũ Văn Hoàng - Giám đốc BV Y học cổ truyền Hà Đông cho biết, dược liệu dù tốt nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện bảo quản về không khí, độ ẩm, ánh sáng, bao bì thì dược tính cũng sẽ tiêu biến dần. Vì thế, người bệnh không nên tự ý mua, sử dụng các vị thuốc y học cổ truyền bừa bãi mà nên đến các cơ sở khám, chữa bệnh có uy tín, uống thuốc theo đơn với liều lượng và thời gian nhất định để đạt được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
Trao đổi về thực trạng một số điểm bán dược liệu tại khu di tích chùa Hương không có nguồn gốc, không hạn sử dụng, không có chứng chỉ hành nghề, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Khu di tích và Thắng cảnh Hương Sơn thừa nhận là vẫn có tình trạng như cơ quan báo chí phản ánh. Theo ông Hiển, những người bán thuốc tại khu di tích chùa Hương là người dân sinh sống ở địa phương và những loại dược liệu bán ở đây chủ yếu là cây thuốc nam được trồng tại vườn hoặc ở trên núi.
Những sản phẩm dược liệu bán tại chùa Hương đều không có thành phần, xuất xứ, hạn sử dụng mà chỉ ghi tác dụng chữa bệnh, cách dùng.
Khi được hỏi có bao nhiêu điểm bán dược liệu và những điểm bán nào vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, không có chứng chỉ hành nghề thì ông Hiển tỏ ra lúng túng vì ông không nắm được và giới thiệu PV gặp ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích và Thắng cảnh Hương Sơn để trao đổi thêm. Ông Hiển cũng cho biết, khi diễn ra lễ hội, Ban quản lý cũng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở đối với những điểm buôn bán, kinh doanh dược liệu. Tuy nhiên, để xử lý triệt để những điểm kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc thì rất khó vì chế tài chưa đủ mạnh.
“Bây giờ chỉ còn cách là đóng lại các cửa hàng này thôi nhưng đóng lại thì rất khó vì mình phải có người canh gác.Ngoài ra, chưa có quy hoạch tổng thể phân khu chức năng nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hiển cho hay.
Nhằm làm rõ thêm thông tin để gửi tới bạn đọc, chúng tôi có gọi điện cho ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2019 theo số điện thoại công khai, tuy nhiên, sau rất nhiều lần liên lạc nhưng không thấy ông Hậu nghe máy. Việc công khai số điện thoại được coi là một trong những giải pháp tức thì bước đầu giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân khi tham dự lễ hội, góp phần chấn chỉnh các hoạt động không phù hợp với thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan, thực phẩm bẩn… Tuy nhiên, theo nhiều người dân, việc công khai số điện thoại của ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2019 có phải chỉ mang tính hình thức?
Không chỉ bán dược liệu không rõ nguồn gốc, không hạn sử dụng, tại khu di tích chùa Hương còn bán rất nhiều các loại đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc. Những sản phẩm này đều không được dán nhãn phụ theo quy định. Theo tìm hiểu của PV, tại khu di tích chùa Hương có một tổ kiểm tra liên ngành có chức năng nhiệm vụ kiểm tra công tác nghiệp vụ đối với các hàng quán kinh doanh tại khu di tích chùa Hương.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích và Thắng cảnh Hương Sơn , tổ trưởng tổ liên ngành cho biết, tổ liên ngành thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở đối với các hộ, các điểm kinh doanh buôn bán tại đây. Tùy theo từng lĩnh vực mà mình giao cụ thể công việc cho các cơ quan chuyên môn.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, việc thường xuyên kiểm tra của tổ liên ngành tại đây đã phát huy được hiệu quả chưa khi tình trạng buôn bán dược liệu không có không nguồn gốc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng buôn bán đồ chơi Trung Quốc vẫn diễn ra một cách công khai chưa bị xử lý triệt để.
Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc phối hợp triển khai các giải pháp tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp bán thuốc nam trái quy định. Đồng thời, du khách đề cao tinh thần cảnh giác, chỉ mua và sử dụng các loại thuốc nam, cây dược liệu ở các cơ sở kinh doanh đã được cấp phép và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để đảm bảo an toàn sức khỏe, quyền lợi của bản thân.
Nhóm PV