Giá trị của một giờ ngủ thêm
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Ngủ không đủ khiến bạn dễ bị bệnh tim, tiểu đường, béo phì, thậm chí làm cho những cuộc vui trong phòng ngủ... mất vui. Đó chỉ là một vài trong rất nhiều lý do để bạn tắt ti vi mà lên giường sớm một giờ tối nay.
Một giờ vàng
Tự cổ chí kim, chưa bao giờ tầm quan trọng của giấc ngủ bị phủ nhận. Chẳng cần phải là nhà khoa học hay bác sĩ, một người ít học nhất cũng dễ dàng thấy hậu quả mệt mỏi, mất tập trung rất rõ ràng chỉ sau một đêm mất ngủ.
Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ giấc ngủ là thứ người ta dễ “cắt xén” nhất vì đủ mọi lý do vụn vặt: bận xem phim, bận tán dóc, thậm chí chẳng bận gì cả... Trong khi đó, sự khác biệt của một giờ đồng hồ đi ngủ sớm là rất to lớn, đã được các nhà khoa học cân đo đong đếm tỉ mỉ.
Một trong những cuộc nghiên cứu gần đây về đề tài này được Đại học Surrey (Anh) thực hiện hồi cuối năm ngoái. Các tình nguyện viên tham gia cuộc nghiên cứu được chia làm 2 nhóm. Trong tuần đầu, nhóm thứ nhất ngủ 6 giờ rưỡi/đêm, nhóm thứ hai ngủ 7 giờ rưỡi. Một tuần sau, thời lượng giấc ngủ được thay đổi giữa 2 nhóm.
Các cuộc kiểm tra trên máy tính cho thấy những ai ngủ 6 giờ rưỡi luôn gặp khó khăn trong các bài tập đòi hỏi đầu óc xử lý nhanh nhẹn. Sự khác biệt còn thấy rõ hơn khi các nhà khoa học xét nghiệm máu các tình nguyện viên, phát hiện có đến khoảng 500 gien trong cơ thể bị tác động bởi việc ngủ ít hay thêm một giờ đồng hồ. Khi người ta ngủ tăng thêm một giờ, các gien liên quan đến tiến trình bảo vệ trước stress, viêm, tiểu đường và ung thư tăng cường hoạt động và ngược lại.
Một cuộc nghiên cứu khác về việc điều chỉnh đồng hồ để tăng thêm một giờ vào ban ngày trong mùa xuân, hạ ở một số nước cho thấy, việc mất đi một giờ để ngủ đồng nghĩa gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ngược lại, khi tăng thêm một giờ cho ban đêm, tỷ lệ này giảm xuống.
Thêm một cuộc nghiên cứu nữa, do Đại học Chicago (Mỹ) tiến hành cho kết quả: những người lớn ngủ trên 7 giờ/đêm hạ thấp 33% nguy cơ bị máu vón cục so với người ngủ 6 - 7 giờ. Đến năm 2012, các nhà khoa học phát hiện những ai bị cao huyết áp lại ngủ ít nếu tăng thêm một giờ trên giường mỗi đêm sẽ cải thiện đáng kể bệnh tình.
Ngủ đủ = “yêu” tràn trề
Ngoài việc cải thiện hệ thống tim mạch, ngăn ngừa tiểu đường, giúp đầu óc minh mẫn, ngủ đủ còn có nhiều công dụng bất ngờ khác:
“Vui” hơn trong phòng ngủ: Theo một cuộc thăm dò dư luận do Hiệp hội Ngủ quốc gia của Mỹ tiến hành, 26% người tham gia cho biết chuyện chăn gối của họ lãnh đủ hậu quả do thiếu ngủ, đơn giản là vì họ quá mệt mỏi để “chiến đấu”. Cũng có những bằng chứng cho thấy thiếu ngủ dẫn đến hàm lượng testosterone - thứ ảnh hưởng trực tiếp đến bản lĩnh giường chiếu của các chàng bị giảm sút.
Giảm đau: Nếu bạn bị đau, dù là đau kinh niên hay cấp tính do một chấn thương nào đó, ngủ đủ giúp giảm đau. Khổ nỗi lý do khiến nhiều người mất ngủ cũng chính là vì đau. Có rất nhiều loại thuốc giảm đau cũng có thêm tác dụng hỗ trợ giấc ngủ.
Sống an toàn: Không biết bao nhiêu tai nạn đã xảy ra vì lý do thiếu ngủ, từ tai nạn giao thông đến lao động, sinh hoạt. Ước tính của Viện Y khoa (Mỹ) cho thấy 1/5 tai nạn ô tô ở nước này là do tài xế buồn ngủ.
Tâm trạng thoải mái: Khi bạn mệt mỏi vì thiếu ngủ, bạn cũng sẽ dễ dàng cau có với con cái, cự cãi với đồng nghiệp, khó kiểm soát bản thân hơn khi đã no giấc.
Giữ dáng: Ngủ ít cũng đồng nghĩa với gia tăng nguy cơ béo phì. Lý do đầu tiên là do lối sống. Khi bạn mệt mỏi thì bạn sẽ lười đi chợ, vào bếp để có những món ăn tốt cho sức khỏe. Cơ chế sinh học là lý do thứ hai: khi bạn thiếu ngủ, leptin - loại hormone đóng vai trò then chốt trong việc làm bạn có cảm giác no sẽ giảm sút, khiến cái bao tử của bạn liên tục “lên tiếng”.
Nhớ dai: Trong lúc bạn ngủ, não bộ bạn vẫn “chạy”, củng cố lại trí nhớ từ những sự việc xảy ra trong ngày. Nếu thiếu ngủ, những ký ức này có thể sẽ không được lưu trữ đúng cách, khiến bạn mất chúng.
Giảm stress: Trong giai đoạn ngủ rất sâu giấc (REM), noradrenalin - hóa chất trong não bộ gây stress tự động “tắt”. Đó là thời điểm duy nhất trong ngày và đêm, điều này xảy ra, khiến chúng ta hoàn toàn điềm tĩnh trong lúc não bộ xử lý tất cả những kinh nghiệm trong ngày, từ đó giúp chúng ta xử lý từng sự kiện liên quan đến cảm xúc một cách tốt nhất.
Điều này cũng có nghĩa nếu bạn đột nhiên thức giấc, não bộ có thể sẽ không xử lý được tất cả các cảm xúc, đồng nghĩa bạn sẽ căng thẳng và lo lắng.
Ngủ bao nhiêu là đủ? Các nhà nghiên cứu tại Đại học California (Mỹ) từng phát hiện một gia đình mang một đột biến gien khiến các thành viên chỉ cần ngủ 6 giờ/đêm là đủ giấc. Tiếc thay, trường hợp này rất hiếm, được cho là chỉ xảy ra ở dưới 3% dân số. Đa phần cư dân hành tinh này vẫn cần từ 8 đến 8 giờ rưỡi để gọi là đủ giấc mỗi đêm. Đó là ở người lớn, thời gian ngủ ở trẻ con cao hơn nhiều, theo hướng dẫn của bác sĩ Nan Norins, chuyên gia về giấc ngủ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Wisconsin (Mỹ): Trẻ từ 1-3 tuổi: cần ngủ 12-14 giờ/đêm Từ 3-5 tuổi: 11- 13 giờ/đêm Từ 6-12 tuổi: 10 - 11 giờ/đêm Trẻ vị thành niên: 9-9 giờ rưỡi/đêm |
theo WebMD