Giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa là vấn đề cấp bách toàn cầu
Giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa là vấn đề cấp bách toàn cầu |
INC-4 cũng ghi nhận việc xây dựng các quy tắc nhằm ngăn chặn các sản phẩm nhựa có vấn đề và có thể thay thế được bằng vật liệu khác; tuy nhiên vẫn còn bỏ ngỏ khả năng liệu thỏa thuận có ban hành các biện pháp giảm thiểu sản xuất và tiêu dùng nhựa hay không.
Bảy ngày đàm phán tại Ottawa đã cho thấy rõ đâu là những quốc gia ủng hộ một hiệp ước tham vọng về nhựa, giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa từ khai thác đến thải bỏ, và đâu là những quốc gia có quan điểm khác, phục vụ cho lợi ích của ngành công nghiệp nhựa và nhiên liệu hóa thạch.
Peru và Rwanda nổi lên với vai trò tiên phong khi đưa ra đề xuất về các hoạt động liên quan đến giai đoạn giữa các kỳ họp đối với nhựa nguyên sinh, đặt mục tiêu giảm 40% lượng sử dụng nhựa nguyên sinh trên toàn cầu vào năm 2040 so với mức năm 2025. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một số phái đoàn, bao gồm Malawi, Philippines và Fiji.
Bên cạnh đề xuất của Rwanda/ Peru, một số quốc gia khác đã khởi động Tuyên bố Cầu nối Busan về Polyme Nhựa nhằm kêu gọi các bên ủng hộ việc giữ nguyên điều khoản giải quyết vấn đề nhựa nguyên sinh trong văn bản hiệp ước và tạo động lực cho vòng đàm phán thứ năm (và cũng là vòng cuối cùng theo kế hoạch) tại Busan, Hàn Quốc vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đây chỉ là một nỗ lực không ràng buộc về mặt pháp lý và không đề cập đến vấn đề khai thác.
Quan điểm ngược lại là một các quốc gia sản xuất polyme và nhựa, bao gồm Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Kuwait và Qatar. Nhóm này nhắc lại về phạm vi của dự thảo hiệp ước, nhằm tái định nghĩa ý nghĩa của toàn bộ vòng đời của nhựa, dường như là một nỗ lực để thu hẹp phạm vi của hiệp ước chỉ tập trung vào vấn đề quản lý chất thải.
Mặc dù đã có những tiến bộ trong các cuộc đàm phán thực chất tại Ottawa, các quốc gia vẫn ra về với một văn bản chưa phù hợp cho các cuộc đàm phán cuối cùng ở Busan. Trong khi một số phần của dự thảo đã được tinh gọn, thì cũng có nhiều nội dung được bổ sung hơn so với nội dung bị loại bỏ, dẫn đến một văn bản rắc rối với rất nhiều phương án, từ ngữ và câu được đóng ngoặc vuông (tức là ngôn ngữ chưa được thống nhất). Một số quốc gia vẫn tiếp tục các chiến thuật cản trở và thiếu tham vọng - làm loãng nội dung, thêm vô số ngoặc vuông, và bóp méo ngôn ngữ trong các điều khoản khác nhau nhằm mục đích thu hẹp phạm vi và giảm tham vọng của hiệp ước.
Tham dự phiên đàm phán này, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, quan điểm của Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp là mong muốn cùng với thế giới tập trung giải quyết ô nhiễm nhựa, trong đó nhấn mạnh vai trò của nhựa và các sản phẩm nhựa trong xã hội; vai trò của nhóm phi chính thức trong quá trình giải quyết ô nhiễm nhựa; nhu cầu hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực. Việt Nam cùng với các quốc gia đang phát triển có thể tham gia nhiều hơn vào nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa dựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt và phù hợp với năng lực của mỗi quốc gia trong chuyển đổi công bằng, xóa đói giảm nghèo, trách nhiệm giữa các thế hệ và vì mục tiêu phát triển bền vững.
Sự gia tăng và ô nhiễm nhựa là những vấn đề phức tạp và toàn cầu. Tất cả chúng ta đều tin tưởng rằng các quốc gia sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp ràng buộc pháp lý trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để đảm bảo chúng ta thống nhất về một hiệp ước vào cuối năm nay, giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa từ khai thác đến thải bỏ.