Giải tỏa nỗi lo lây nhiễm chéo khi tập trung lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại ổ dịch Covid-19
(SK&MT)- “Tại điểm tập trung lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, nếu có người đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2 được lấy mẫu trước rồi đến lượt tôi thì tôi có phải là F1 không?” - Đây là vấn đề băn khoăn, lo lắng chung của nhiều người khi được mời đi lấy mẫu xét nghiệm tập trung tại ổ dịch.
Có hàng trăm người mỗi ngày được mời đi xét nghiệm
Sau khi ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ngoài cộng đồng khởi phát tại chợ đầu mối Tân An, đến hôm qua (20/7), cơ quan chức năng TP.Cần Thơ truy vết ghi nhận 217 ca nhiễm. Nhiều khu vực trên địa bàn bị phong tỏa. Riêng phường Hưng Phú (quận Cái Răng) có nhiều người nghi nhiễm nên phải phong tỏa toàn phường để xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, chấm dứt chuỗi lây nhiễm, dập tắt ổ dịch tại đây. Mỗi ngày có hàng trăm người được mời tập trung đến Trạm Y tế phường, viết khai báo y tế và lần lượt được kỹ thuật viên (KTV) lấy mẫu xét nghiệm.
Ông TVN, nhà ở gần đó quan sát chi tiết diễn biến hoạt động tập trung lấy mẫu và rất lo ngại vì cho rằng nhiều người trong ngày tập trung vào ra phòng trạm y tế như thế có nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Lý do: Bộ Y tế đã cập nhật bổ sung SARS-CoV-2 lây qua đường không khí cùng với lây qua giọt bắn, hạt khí dung và tiếp xúc trực tiếp. Hơn nữa, nhiều thông tin công bố rộng rãi trên báo chí, các chuyên gia đầu ngành y tế đã nhận định nguyên nhân của dịch Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang gia tăng rất nhanh là do vi rút biến thể Delta. Biến thể này lây qua đường không khí với tốc độ chỉ trong vòng 5 giây.
Ông N dẫn chứng, PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nhận định chi tiết rằng: biến thể Delta có nguy cơ lây nhiễm cao trong bầu không gian chật hẹp. Qua vài lần tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như trong nhà, khu vực tập trung đông người, nhà máy, xí nghiệp, quán ăn uống…
Góc chụp khác tại một điểm lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc thuộc địa bàn phường Tân An, cho thấy cảnh chen chúc của người đến lấy mẫu khi kê khai y tế
Vậy nên, ngày 18/7, được thông báo đến Trạm y tế phường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, ông N hoang mang, liên lạc một cán bộ của Trạm y tế phường, hỏi: “Giả sử trong số những người tập trung đến Trạm y tế lấy mẫu có F0, tải lượng vi rút cao, vào vị trí cho KTV dùng que lấy dịch mũi, họng… rồi tới lượt tôi vào vị trí đó cho KTV lấy mẫu và lần lượt những người kế tiếp. Đến khi có kết quả xét nghiệm xác định được F0 thì KTV có bị lây không? Và tôi cùng những người kế tiếp có phải là F1, F2, F3,… hay không?”. Cán bộ này trả lời: “Chưa có nghiên cứu nào giống như trường hợp anh hỏi, cái đó ngoài khả năng trả lời của trạm, mong anh thông cảm”.
Bức xúc, ông N liên hệ qua đường dây nóng Văn phòng đại diện Tây Nam bộ - Tạp chí Sức khỏe & Môi trường, yêu cầu được tư vấn. Do điều kiện cả miền Tây đang trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, việc di chuyển rất khó khăn và BCĐ các tỉnh thành đều đang tập trung chỉ đạo phòng chống dịch rất quyết liệt. Nên chúng tôi phải tranh thủ các kênh liên lạc kể cả các nhóm Zalo của Sở TTTT các tỉnh quản trị nhằm cung cấp và tiếp nhận thông tin báo chí, để truyền đạt vấn đề bức xúc có tính phổ biến, đến BCĐ phòng chống dịch các tỉnh trao đổi về vấn đề này.
Qua đó, chúng tôi đã nhận được phản hồi của cơ quan y tế TP.Cần Thơ: “Khi thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc nguồn lây, cán bộ y tế đã chủ động phòng ngừa có bảo hộ và khử khuẩn thì không thể lây nhiễm. Đây là việc làm thường xuyên và có tập huấn nghiệp vụ chuyên môn bài bản đúng theo quy định của Bộ Y tế. Còn việc cán bộ y tế nếu bị lây nhiễm Covid-19 là điều hết sức bình thường do có thể không tuân thủ 5k khi giao tiếp nơi đông người như chợ, siêu thị... nhất là nơi đã có mầm bệnh mà chúng ta chưa biết đến”.
Ông N cho rằng nội dung trả lời của cơ quan y tế TP.Cần Thơ chưa xác đáng. Ông đưa ra hình ảnh chứng minh chi tiết một địa điểm tại trạm Y tế phường KTV của CDC TP.Cần Thơ lấy mẫu liên tục cho một nhóm người không thay bao tay, không khử khuẩn.
Khảo sát trình tự người xếp hàng vào vị trí cho KTV lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại một điểm nóng thuộc tỉnh Đồng Tháp
Phía cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp – một trong những điểm nóng Covid-19 của miền Tây, hơn 1 tuần trước lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đang khẩn trương nâng cao năng lực xét nghiệm để theo kịp tốc độ lây lan rất nhanh của vi rút biến thể Delta và việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đang được triển khai thực hiện cho hàng chục ngàn người tại các ổ dịch trên địa bàn, tiếp nhận, trả lời: “Đóng góp của dân là quý lắm, song người dân cũng hiểu cho đúng thì mới rõ sự việc: găng tay thay đổi cho từng người là không cần thiết, tốn kém... chỉ cần sát trùng bằng cồn là đạt, khi lấy mẫu xét nghiệm PCR sẽ thay sau 5 khách hàng, riêng làm test nhanh không cần phải như vậy. Tất cả vật tư dùng xong, que lấy mẫu đều được cho vào túi riêng xem như là chất thải nguy hại, được thu gom xử lý riêng. Trong lúc làm test KTV mặc phòng hộ, không chạm tay vào người khách hàng. Không có gì là nguy cơ cho dân”.
An toàn nếu tuân thủ nghiêm ngặt giải pháp 5K
“Nếu có người sau khi test có kết quả dương tính, thì những người dân tập trung cụ thể là người được lấy mẫu sau người dương tính có phải là F1 không? Thực tế truy vết ở Đồng Tháp những trường hợp như vậy tại các điểm test sàng lọc xử lý như thế nào?”. Phía cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Trong trường hợp đó thì xét về mức độ nguy cơ và tùy theo từng trường hợp cụ thể để xử lý. Nếu thực hiện đầy đủ 3 yếu tố: mang khẩu trang đúng cách; khoảng cách trên 2m; không tiếp xúc, cầm nắm với bề mặt các vật dụng liên quan thì không có nguy cơ”.
Theo ông N, căn cứ vào 3 yếu tố mà cơ quan y tế tỉnh Đồng Tháp trả lời thì thực tế tại điểm tập trung lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đều không đạt. Khi vào bàn khai báo y tế mọi người đều khó giữ khoảng cách, khó tránh được cầm nắm đồ vật chung (CCCD, bút, giấy, bàn, ghế,…) và đặc biệt là khi mọi người lần lượt ngồi vào một vị trí cho KTV dùng que đưa vào mũi, miệng thì ai cũng đều phải mở khẩu trang. Trong trường hợp có F0, tải lượng vi rút cao, phát tán ra ngoài lơ lửng trong không khí thì người sau sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Khi KTV lấy mẫu thì người được lấy mẫu buộc phải mở khẩu trang, trong điều kiện vị trí lấy mẫu không thay đổi, không gian không được khử khuẩn thì nguy cơ lây nhiễm khó tránh khỏi
Ông N, dẫn chứng theo GS.TS Phan Trọng Lân, thì: “Những hành vi có nguy cơ lây nhiễm cao là những nơi giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, nói trong khoảng thời gian dài... là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Hơn nữa, tại các điểm tập trung lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc vốn đã qua truy vết khoanh vùng nên trong số những người tập trung có nhiều người đã từng tiếp xúc gần với F0 tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao”.
Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã trao đổi với cơ quan chức năng tỉnh An Giang và nhận được câu trả lời nhanh từ Giám đốc BVĐK An Giang: “KTV y tế lấy mẫu phải thao tác chuẩn theo từng người. Mỗi người 1 que thử. Rửa tay nhanh sau lấy mẫu từng người... Chính vì điều nầy mà bệnh viện chưa triển khai buồng lấy mẫu!”.
Do nguy cơ lây nhiễm chéo tại các điểm tập trung test nhanh, phía An Giang cũng cho biết: quy định tài xế đường dài muốn vào địa bàn An Giang thì phải có kết quả âm tính SARS-CoV-2 xét nghiệm tại nơi xuất phát còn giá trị thời hạn không quá 72 giờ và đã thông tin các điểm test nhanh tập trung tại các chốt kiểm dịch của An Giang đã dừng test nhanh cho tài xế, chỉ hỗ trợ test nhanh cho trường hợp rất khẩn cấp.
Việc lấy mẫu cần thao tác chuẩn theo từng người và nên bố trí không gian thoáng, tránh nguy cơ lây nhiễm cho KTV và người dân đến lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành TP.Long Xuyên đã kiểm tra việc thực hiện dịch vụ xét nghiệm test nhanh virus SARS-CoV-2 tại BV Bình Dân. Mặc dù bệnh viện này đã có 5 giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn xét nghiệm nhưng thực tế số người đến đang ngồi chờ tại khu vực khám bệnh, nhưng không đảm bảo khoảng cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và bệnh viện này cũng chưa được Sở Y tế cấp phép thực hiện dịch vụ này. Do đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản đề nghị Bệnh viện Bình Dân ngừng ngay dịch vụ test nhanh COVID-19 cho đến khi có giấy phép của Sở Y tế tỉnh; chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở y tế theo quy định.
Toàn bộ nội dung giải thích của cơ quan chức năng TP.Cần Thơ, tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp đã được chúng tôi chuyển đến ông N và ông quyết định từ chối đến điểm tập trung lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc vì không đủ cơ sở thuyết phục đảm bảo các yếu tố an toàn, nguy cơ lây nhiễm chéo tại đây là không tránh khỏi. Ông N cho biết sẽ đến điểm tập trung lấy mẫu với điều kiện: phải thao tác chuẩn theo từng người như ý kiến của Giám đốc BVĐK An Giang. Sau mỗi ca lấy mẫu thì phải khử khuẩn phòng, KTV phải khử khuẩn đồ bảo hộ và khi KTV lấy mẫu thì chỉ có 1 người được lấy mẫu trong phòng lấy mẫu. Hoặc ông sẽ ở tại nhà, mời KTV chịu khó cơ động đến lấy mẫu tại cổng, lấy mẫu xong thì KTV khử khuẩn rồi di chuyển đến nhà kế tiếp lấy mẫu cho bà con.
Trên cơ sở trao đổi với cơ quan chức năng các địa phương để luận giải, tư vấn giải tỏa sự lo sợ lây nhiễm chéo cho một công dân, chúng tôi nhận thấy: quy trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc là chưa đủ cơ sở lý giải đảm bảo các yếu tố an toàn trong điều kiện vi rút biến thể Delta lây qua đường không khí. Cần thiết phải khẩn trương rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình, tuân thủ các nguyên tắc an toàn trên thực tế và cải tiến quy trình để theo kịp tốc độ lây lan của vi rút biến thể Delta.
Điểm lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tự nguyện tại Nhà thi đấu Judo phường 7, TP.Bạc Liêu được lấy mẫu bằng xe lưu động của BV Thanh Vũ Medic Bạc Liêu đặt
Đồng thời chúng tôi cũng kiến nghị đến BCĐ phòng chống dịch các tỉnh có thể xem xét đổi mới quy trình lấy mẫu phù hợp với vi rút biến thể Delta lây qua đường không khí bằng cách: KTV chia thành nhiều nhóm cơ động đến cổng nhà từng đối tượng trong khu vực phong tỏa để lấy mẫu từng người sau 1 ca thì khử khuẩn đồ bảo hộ và di chuyển sang nhà kế tiếp. Đây cũng có thể xem là giải pháp phù hợp trong điều kiện giãn cách theo Chỉ thị 16, giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo trong việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại các khu phong tỏa, tránh tình trạng phát sinh các ca nhiễm sau sàng lọc, kéo dài các chuỗi lây không rõ nguồn lây.
Thông qua các kênh liên lạc, kiến nghị của chúng tôi đã được chuyển đến cán bộ, BCĐ phòng chống dịch CoViD-19 các địa phương tình hình dịch đang diễn biến ngày càng phức tạp như tỉnh Long An, TX.Gò Công (Tiền Giang), Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu.
Đến hôm nay (21/7), chúng tôi đã nhận được tín hiệu tiếp nhận từ ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ Thị xã Gò Công (Tiền Giang). Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Phó BCĐ TP.Cần Thơ.
Riêng tỉnh Đồng Tháp, sau khi tiếp nhận, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó BCĐ tỉnh, cho biết đã tiếp nhận đủ nội dung và sẽ chỉ đạo rà soát lại quy trình lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại các ổ dịch để đảm bảo các yếu tố an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, góp phần sớm dập tắt các chuỗi lây nhiễm trên địa bàn.
Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu – một trong những địa phương đang kiểm soát dịch khá tốt so với địa phương khác trong vùng, ông Trần Trung Vĩ, Phó Văn phòng UBND, Trợ lý của Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ phòng chống Covid-19 tỉnh, cho hay: Bạc Liêu chưa triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhưng cũng sẽ lưu ý rút kinh nghiệm. Trước mắt, ngày 18/7, UBND tỉnh đã chính thức chấp thuận cho BVĐK Thanh Vũ Medic Bạc Liêu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên xe lưu động. Chi phí xét nghiệm do người có nhu cầu tự chi trả. Địa điểm tổ chức tại Nhà thi đấu Judo, đường 23/8, phường 7, TP.Bạc Liêu.
“Sở Y tế đã qua BVĐK Thanh Vũ Medic Bạc Liêu kiểm tra lần cuối để cho triển khai. Khuôn viên nhà thi đấu Judo rộng thoải mái, vô đó sẽ giữ khoảng cách tốt hơn và ít ảnh hưởng tới môi trường bên ngoài”. Ông Trần Trung Vĩ, thông tin thêm. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi phản hồi từ các địa phương và tiếp tục theo dõi, thông tin tới bạn đọc xung quanh các biện pháp tránh lây nhiễm chéo từ các điểm tập trung lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ở miền Tây.
Ngày 17/7, trước khi 19 tỉnh thành phía Nam bước vào thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP.Cần Thơ và đã có chỉ đạo rất kỹ phải tổ chức thực hiện việc test nhanh sàng lọc một cách khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. |
HÙNG LONG + NHÓM PV MIỀN TÂY