Hậu dịch Covid-19, thị trường không trở lại như trước
Sau quãng thời gian tê liệt vì dịch, các nhà máy ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại. Bầu không khí ô nhiễm, xám xịt cũng bắt đầu quay lại nhiều thành phố nước này. Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc đang sợ hãi. Nhiều người mất việc làm hoặc bị giảm lương. Những người khác run rẩy sau nhiều tuần ngồi một chỗ, không thể làm gì, giờ phải nghĩ đến chuyện tiết kiệm.
Xét trên một số phương diện, nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi. Đến cuối tháng 4, phần lớn các nhà máy đã mở cửa. Từ tháng 3, sản lượng công nghiệp tăng mạnh, các loại hàng hóa như thép và điện thoại ồ ạt xuất xưởng.
Trung Quốc đang nỗ lực tái khởi động các hoạt động kinh tế một cách thận trọng, nhưng đây là tiến trình không hề dễ dàng khi hàng triệu người lao động vẫn tỏ ra dè dặt trong chi tiêu và thậm chí trong các hoạt động đi lại.
Nhưng người tiêu dùng vẫn lo ngại về khả năng mất việc làm hay bị nhiễm bệnh. Họ giữ tiền bất chấp những nỗ lực của giới chức Trung Quốc nhằm khuyến khích người dân đến các trung tâm thương mại hay cửa hàng ôtô. Nhiều thành phố còn phát phiếu giảm giá mua sắm.
Nhiều ý kiến dự đoán tổng chi tiêu cho quần áo, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác sẽ tăng rất ít hoặc không tăng trong năm nay.
Tiêu dùng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong nền kinh tế Trung Quốc so với Mỹ và các nước thu nhập cao khác, nhưng vẫn chiếm đến 80% tăng trưởng năm 2019 của quốc gia Đông Bắc Á này.
Hoạt động chế tạo ở Trung Quốc đã được khôi phục 80%, nhưng lưu lượng giao thông đô thị, lượng điện tiêu thụ và các chỉ báo về đời sống thường nhật khác vẫn chỉ ở mức 50-65% bình thường.
Nhưng các chỉ số kinh tế khác vẫn rất tệ hại. Doanh số bán lẻ sụt giảm 16% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ánh sáng phát ra từ các khu công nghiệp mờ nhạt hơn nhiều so với một năm trước, cho thấy nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng. Các nhà máy Trung Quốc đang đối mặt với thử thách cực lớn. Khách hàng ở Mỹ và châu Âu không còn mua hàng hóa Trung Quốc nhiều như trước. Hàng loạt trung tâm mua sắm ở Mỹ hủy và hoãn các đơn hàng từ Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp vẫn trả lương cho nhân viên và tránh cắt giảm nhân sự. Các doanh nghiệp tư nhân được cam kết miễn giảm thuế, cho vay lãi suất thấp và các hỗ trợ khác. Nhưng hiện chưa rõ bao nhiêu doanh nghiệp sẽ phá sản dưới áp lực trả tiền thuê và tiền lương trong khi không có doanh thu.
Các công ty xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, quần áo và các mặt hàng khác có thể sẽ không nhận được lực đẩy nhiều từ nước ngoài, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang phải hứng chịu làn sóng mất việc làm và người dân vẫn phải ở nhà.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc lại tỏ ra ngần ngại trong việc bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế vì lo ngại sẽ làm gia tăng lạm phát và nợ công
Chính quyền Bắc Kinh thông báo tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị nước này tăng lên 5,9% trong tháng 3. Tuy nhiên giới chuyên gia quốc tế cho rằng con số thực tế có thể cao gấp đôi. Zhongtai Securities ước tính thất nghiệp có thể lên tới 20% nếu tính cả lao động nhập cư từ nông thôn.
Lần đầu tiên, tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc chậm lại và giảm tới 6,8% trong quý I/2020.
Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Trivium đặt tại Bắc Kinh, tính đến giữa tháng 4-2020, cỗ máy công nghiệp của Trung Quốc mới chỉ hoạt động 80% công suất. Về phía tiêu thụ, trong 2 tháng Trung Quốc bị chìm vào “ngủ đông”, hàng ngàn người lao động mất nguồn thu nhập, qua đó tiêu thụ nội địa bị giảm theo. Chỉ số bán lẻ trong tháng 3-2020 được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố giảm 16%, mức sụt giảm ngoài dự báo của chính quyền. Thăm dò của Cơ quan tài chính UBS có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết, thu nhập của 54% số người được hỏi đã giảm sút và 60% tuyên bố cắt giảm chi tiêu so với thời kỳ trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đó là chưa kể ngay cả khi các sinh hoạt đã trở lại gần như bình thường, phần lớn người dân vẫn tránh né các khu đông người, ít lui tới các quán ăn, trung tâm thương mại và hạn chế đến các rạp chiếu phim, công viên giải trí...
Doanh số đồ nội thất, quần áo, đồ gia dụng, trang sức... đều bay hơi 25-30% trong tháng 3. Ở các thành phố lớn, phần lớn trung tâm thương mại đã mở cửa trở lại, nhưng rất vắng vẻ.
Không có người mua, ngành bán lẻ Trung Quốc sẽ tiếp tục lao dốc. Peng Fei mất việc khi dịch bùng nổ. Anh ngừng đến phòng gym, giảm ăn nhậu bên ngoài và hoãn kế hoạch dọn ra ở riêng. "Trước đây, tôi luôn tiêu sạch tiền kiếm được", anh nói. Chen Ke - chuyên viên tổ chức sự kiện ở Thượng Hải - bị cắt lương tới 80%. Giờ anh kiếm thêm bằng nghề giao đồ ăn và chỉ ăn cơm ở nhà. "Giờ kiếm chưa đến 1 USD với mỗi chuyến giao hàng, tôi mới hiểu kiếm tiền là khó đến mức nào", anh tâm sự.
Với nhiều người Trung Quốc, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi mãi mãi sau dịch Covid-19.
Linh Đức