Hỏng đường tiêu hóa vì thuốc
(Suckhoemoitruong.com.vn) - Trên đường đi của thuốc, thuốc có thể tấn công thực quản một cách mạnh bạo và đe dọa đến tính mạng của bạn nếu bạn không dùng nó một cách thận trọng.
Khi mới có hiện tượng khớp ở chân chị Hồng Vinh (Q.Tân Bình, TPHCM được mách dùng đến hàng chục loại thuốc chống viêm không steroid, trong đó có Aspirin. Bệnh cũng có chiều hướng thuyên giảm, nhưng lại xuất hiện chứng đau dạ dày. Nguyên nhân là chị đã tự ý dùng thuốc mà không theo chỉ dẫn và tư vấn của bác sĩ.
Mỗi năm trên thế giới, biến chứng tiêu hóa của các thuốc chống viêm giảm đau không steroid gây ra khoảng 16.500 trường hợp tử vong và hơn 100.000 trường hợp nhập viện, thường gặp nhất là biến chứng chảy máu. |
Đối với bệnh nhân khớp, đường tiêu hóa luôn luôn là “cánh cửa” để đưa thuốc khớp vào cơ thể. Nhưng không phải lúc nào “cánh cửa” này cũng hoạt động tốt vì nó bị hư hại đáng kể do tác dụng phụ của thuốc. Khi sử dụng thuốc khớp, bệnh nhân thường buồn nôn, chán ăn, đau thượng vị, tiêu chảy, táo bón.
Ngoài ra, sẽ xuất hiện các biến chứng nặng nề như: loét dạ dày, tá tràng, thủng đường tiêu hóa. Và nguy cơ biến chứng tiêu hóa cao nhất gặp ở những người có tiền sử loét cũ, nghiện rượu, có tuổi hoặc dùng thuốc chống đông.
Rất nhiều thuốc khớp gây rắc rối ở dạ dày với mức độ khác nhau như: thuốc không steroid, thuốc chứa corticoid (Prednisolon, Medrol, Dexamethason...). Trong số các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm thì Chloroquin, Methotrexat nổi tiếng là an toàn, nhưng vẫn có tính kích thích dạ dày, gây nôn, đau dạ dày.
Thuốc chữa bệnh gút đặc hiệu là Colchicin lại có tính độc cao trên đường tiêu hóa, có thể làm cho bệnh nhân bị tiêu chảy cấp tính, thậm chí đến một chục lượt trong ngày.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên, bệnh nhân khớp phải thường xuyên kiểm tra dạ dày và thông báo kết quả cho bác sĩ điều trị để có cách dùng thuốc hợp lý. Không nên tự ý đổi thuốc vì bạn có thể không chọn đúng loại thuốc ít gây hại cho dạ dày.
Chưa khỏi loãng xương thực quản đã thủng
Mặc dù ít gặp hơn so với tổn thương ở dạ dày và ruột, nhưng tổn thương ở thực quản có xu hướng liên quan với các biến chứng nặng như: xuất huyết, chít hẹp hoặc thủng thực quản. Một nhóm thuốc có tên Bisphosphonate, được sử dụng ức chế tiêu xương trong điều trị và dự phòng loãng xương, cũng góp phần bào mòn thực quản.
Thông thường, nhóm thuốc này chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ và thoáng qua như khó nuốt, đau khi ăn, nhưng tùy theo cơ địa của người dùng, chúng dẫn đến các triệu chứng loét thực quản vì niêm mạc thực quản bị kích ứng trực tiếp khi phải tiếp xúc kéo dài với thuốc. Hiện tượng này xảy ra trong tháng đầu tiên dùng thuốc và có liên quan với việc dùng thuốc không đúng cách.
Do đó, phương pháp tốt nhất để giảm thiểu loại tai biến này là phải hướng dẫn người bệnh biết sử dụng thuốc đúng cách, có nghĩa là mỗi lần phải uống thuốc với ít nhất 240ml nước và giữ tư thế ngồi thẳng trong ít nhất 30 phút sau uống thuốc để thuốc nhanh chóng di chuyển đến vị trí an toàn. Sau khi người bệnh ngừng dùng thuốc, hầu hết các triệu chứng liên quan đến tổn thương thực quản đều giảm dần.
Theo Hoàng Nam - Sức khỏe gia đình