Huyền thoại y học Nhật Bản tiết lộ bí quyết sống trường thọ
SK&MT – Ông Shigeaki Hinohara, chuyên gia về tuổi thọ, người đã xây dựng nền móng cho y học Nhật Bản, giúp nước này vươn lên đứng đầu thế giới về tuổi thọ, đã để lại những bí quyết dưỡng sinh rất đơn giản để sống thọ.
Sự nghiệp của ông cũng là những năm tháng phi thường. Từ năm 1941, ông tham gia chữa bệnh tại Bệnh viện Quốc tế St.Luke’s và dạy học tại Trường Đại học Y St.Luke’s, Tokyo.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, ông tham gia gây dựng lại bệnh viện và trường học này từ những đổ vỡ hoang tàn. Khi ở tuổi 75, bác sĩ Hinohara đã viết được gần 150 đầu sách, trong đó có những cuốn bán được hàng triệu bản trên toàn thế giới. Mỗi năm, ông thực hiện hơn 100 buổi diễn thuyết, số lần xuất ngoại nhiều không đếm xuể.
Vài tháng trước khi qua đời ở tuổi 106, bác sĩ Hinohara vẫn tiếp tục hành nghề chữa bệnh cứu người với thái độ tận tâm và vô cùng minh mẫn. Ông Hinohara cũng là chủ tịch danh dự của 2 cơ quan này khi đã ngoài 100 tuổi.
Năm 2017, trong một buổi phỏng vấn với Thời báo Life Times về bí quyết dưỡng sinh, trường thọ của mình, Shigeaki Hinohara đưa ra triết lý sống đơn giản nhưng vô cùng hiệu nghiệm.
Nếu bạn muốn sống lâu, đừng để béo phì
“Tôi thường uống cà phê hoặc một ly sữa và một ít nước cam có pha một thìa dầu ô liu vào buổi sáng. Dầu ôliu có tác dụng bảo vệ động mạch và giúp cho da luôn sáng. Bữa trưa, tôi uống sữa và ăn một ít bánh quy, hoặc không ăn gì nếu quá bận rộn. Tôi không bao giờ thấy đói vì tôi tập trung vào công việc. Bữa tối, tôi ăn rau, một chút cá và cơm. Mỗi tuần tôi ăn hai lần thịt nạc vào bữa tối, mỗi lần khoảng 100g”.
Lên kế hoạch trước mọi việc
“Luôn lên kế hoạch trước mọi việc. Quyển sổ ghi kế hoạch của tôi luôn đầy thông tin về các bài giảng và công việc thông thường của tôi ở bệnh viện”.
Bác sĩ Shigeaki Hinohara có một khung thời gian biểu chi tiết và đầy đủ, nhiều khi là trước cả một năm ròng. Thời gian biểu của ông luôn được sắp xếp hợp lý với các buổi dạy, công việc tại bệnh viện và những cuộc hẹn khác. Ông cũng thích ra ngoài đi chơi và có dự định tham gia Thế vận hội Olympics Tokyo 2020.
Năng lượng đến từ sự hạnh phúc, không chỉ từ việc ăn đủ, ngủ kỹ
Trẻ con thường có nhiều năng lượng đến mức chúng có thể quên ăn hay quên ngủ. Chúng ta có thể học tập lũ trẻ và không nên quá cứng nhắc về những điều như giờ ăn, giờ đi ngủ. Một khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc, cơ thể sẽ luôn tràn trề năng lượng.
Năng lượng đến từ sự hạnh phúc, không chỉ từ việc ăn đủ, ngủ kỹ
Tìm công việc bạn thật sự yêu thích
Ông Hinohara khuyên mọi người hãy tìm một công việc mà bạn thực sự yêu thích. Dành nhiều thời gian hơn để thưởng thức âm nhạc và chơi với động vật.
Hãy chia sẻ những thứ bạn biết
Bác sĩ Shigeaki Hinohara có khoảng 150 bài giảng một năm với nhiều cuộc nói chuyện với các em học sinh. Bên cạnh đó là các buổi trò chuyện, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp - ước tính khoảng hơn 4,500 doanh nhân. Thông thường, mỗi buổi nói chuyện của ông kéo dài tới 90 phút. Ông cho rằng, việc chia sẻ kiến thức của mình cho mọi người biết là cách tốt để giúp cộng đồng.
Không nhất thiết phải nghỉ hưu
Nhiều người cho rằng, chính việc nghỉ hưu sẽ dẫn đến chứng bệnh mau quên và nhiều người sẽ cảm giác cuộc sống của mình không có ý nghĩa gì nữa. Do đó, bạn không nhất thiết phải nghỉ hưu nếu không muốn; hoặc nếu nghỉ hưu thì nên ở một độ tuổi cao hơn. Ông Shigeaki Hinohara cho rằng nghỉ hưu ở tuổi 65 là quá trẻ.
Hoạt động thể chất hàng ngày
Nếu muốn đôi chân và trái tim khỏe mạnh, bác sĩ Shigeaki khuyên mọi người nên đi thang bộ và tự mang hành lý. Ông Hinohara thường tự cầm túi xách, ông không dùng các thiết bị hiện đại để hạn chế sự di chuyển của con người như cầu thang máy. Ông thường đi 2 bậc cầu thang một lúc khi lên nhà.
Vui vẻ, thậm chí khi đang ở trong bệnh viện
“Đau đớn là một bi kịch và việc tìm kiếm niềm vui là một liệu pháp tốt nhất để bạn quên nó đi. Nếu một đứa trẻ đau răng, chúng sẽ tìm bạn chơi và ngay lập tức quên đi cơn đau ấy. Bệnh viện phải tạo niềm vui và thoải mái cho bệnh nhân. Chúng ta đều muốn vui vẻ. Ở bệnh viện quốc tế St. Luke, chúng tôi đều khuyến khích tinh thần của bệnh nhân qua âm nhạc hoặc thú cưng, thậm chí có cả các lớp nghệ thuật cho người bệnh”.
Gạt bỏ những ham muốn vật chất
“Hãy nhớ, bạn không biết khi nào sẽ sang thế giới bên kia và bạn không thể mang theo vật chất sang thế giới đó”.
Tìm một bài thơ dài bạn thích và thường xuyên đọc lại bài thơ đó
Ông Hinohara cho biết, cuộc đời ông được truyền cảm hứng rất nhiều bởi bài thơ “Abt Vogler” của Robert Browning. Ông thường xuyên đọc đi đọc lại bài thơ này.
Đừng tin tưởng hoàn toàn vào những gì bác sĩ nói hay khuyên
Trong suy nghĩ của chuyên gia Shigeaki Hinohara, bác sĩ không phải là người có thể chữa tất cả mọi bệnh tật. Lời khuyên của ông thực sự đúng với những căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ thành công thấp như ung thư. Đôi khi, lựa chọn giữa việc điều trị và không điều trị gây ảnh hưởng không nhỏ đến cả bệnh nhân và gia đình. Các bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị này kia nhưng nó thực sự sẽ gây đau đớn và không biết kết quả ra sao, hoặc rất đắt đỏ. Chính vì vậy, tùy vào nguyện vọng của bệnh nhân và hoàn cảnh của gia đình, mọi người có thể chọn cho mình những phương án phù hợp nhất.
Chỉ riêng khoa học không thể chữa hay giúp đỡ mọi người
Khoa học giúp con người xích lại với nhau. Tuy nhiên, bệnh tật là điều hết sức cá nhân. Bác sĩ Shigeaki Hinohara tin rằng mỗi cơ thể là một điều độc đáo và bệnh tật gắn liền với trái tim. Để giúp mọi người chữa bệnh và làm lành vết thương, chúng ta cần đến những điều khác như thiền, các phương pháp tĩnh tâm, cảm xúc chứ không chỉ điều trị y học.
Cuộc sống khó có thể dự đoán trước và đầy những biến cố
Bác sĩ Shigeaki Hinohara nhắc về một biến cố khi ông 59 tuổi. Trong chuyến bay từ Tokyo đến Fukuoka vào ngày 31/3/1970, khi máy bay bị không tặc khống chế, ông đã bị còng tay suốt 4 ngày trời trên máy bay nóng 40 độ C. Ông coi đó là một thử thách bản thân và rất ngạc nhiên vì cách cơ thể mình có thể thích nghi với biến cố. Chúng ta luôn cần phải đề phòng và chuẩn bị chu đáo trước mọi việc có thể xảy ra trong cuộc sống.
Thanh Thu