Indonesia: Triển khai sớm các biện pháp để phòng chống cháy rừng và đất trong thời kỳ đại dịch Covid-19
Thiết bị công nghệ điều chỉnh thời tiết tại Indonesia.
Mùa khô tại Indonesia mới chỉ bắt đầu song đã xuất hiện nhiều điểm nóng trên đảo Sumatera và đảo Kalimatan. Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia dự đoán, đỉnh điểm mùa khô năm nay tại một số nơi của Indonesia sẽ xảy ra vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 8. Nếu nạn cháy rừng gây khói bụi xảy ra cùng lúc với sự bùng phát với dịch Covid-19 sẽ là khó khăn lớn cho quốc gia này trong việc dập tắt đại dịch và kiểm soát cháy rừng.
Tại cuộc họp của Cơ quan quản lí thảm hoạ quốc gia Indonesia về các biện pháp xử lí các vụ cháy rừng và đất năm nay trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, ông Doni Monarto người đứng đầu cơ quan này nhấn mạnh, việc phòng ngừa và ngăn chặn cháy rừng vẫn là chính mặc dù ngân sách dành cho nó rất nhỏ. Indonesia đang phát triển công nghệ điều chỉnh thời tiết (TMC) theo phương pháp mưa nhân tạo để xử lí các vụ cháy rừng và đất.
Từ tháng 2/2020, công nghệ này đã được triển khai theo chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo để tối ưu hoá việc ngăn chặn cháy rừng và đất. Hoạt động điều chỉnh thời tiết bắt đầu với việc thành lập 2 Bộ tư lệnh, một Bộ tư lệnh ở khu vực Sumatra để tiến hành gây mưa nhân tạo tại tỉnh Riau và một phần tỉnh Jambi, một Bộ tư lệnh ở Palembang phụ trách khu vực Tỉnh Nam Sumatera và phần còn lại của tỉnh Jambi. Thông qua công nghệ này sẽ làm tăng lượng mưa tại các điểm nóng để ngăn chặn các đám cháy lan rộng, đồng thời giảm nguy cơ xuất hiện các điểm nóng mới. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo thể dự đoán khả năng cháy rừng và đất ở một số khu vực dễ xảy ra thảm họa, đặc biệt là ở đảo Sumatra và Kalimantan.
Năm 2019, Indonesia đã phải đối mặt với nạn cháy rừng gây khói bụi, ảnh hưởng tới cả các quốc gia láng giềng. Nước này đã áp dụng nhiều phương pháp để ngăn chặn thảm hoạ này, trong đó có phương pháp điều chỉnh thời tiết và thả bom nước.
L.Đ