Khu đô thị vỡ quy hoạch, “chung cư mini” bủa vây tiềm ẩn nhiều mối nguy hại
Với mục đích nghiên cứu thực tiễn nhằm phản ánh thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường triển khai tuyến chuyên đề “Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế đô thị gắn liền với môi trường sống, sức khỏe của người dân đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật”, cũng như góp phần cùng UBND thành phố Hà Nội tuyên truyền việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ (ATPCCN) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã thực hiện các cuộc khảo sát trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận thực tế cho thấy: Áp lực đô thị đè nặng lên chất lượng sống của người dân tại các thành phố lớn, trong đó TP. Hà Nội luôn là điểm nóng về vấn đề quy hoạch khi các khu đô thị bị “băm nát”, các tòa nhà ở riêng lẻ được xây dựng biến tướng mục đích sử dụng thành chung cư mini, nhà trọ… Đây là nguyên nhân dẫn đến các mối nguy hại tiềm ẩn trực chờ đã và đang xảy ra như: , ô nhiễm không khí, môi trường sống bị ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ, gây ách tắc giao thông ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương,…Đặc biệt, gần đây tình trạng cháy xảy ra tại các chung cư mini, nhà ở xây vượt tầng sai quy định gây ra những cái chết rất thương tâm với số lượng nạn nhân không nhỏ, gây thiệt hại tài sản đang là điểm nóng dư luận như vụ cháy chung cư mini ở Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân và gần đây nhất là vụ cháy tại số nhà 205 phố Định Công Hạ, Hoàng Mai làm thiệt mạng 4 người,…. Mặc dù đã xảy ra nhiều vụ việc như vậy nhưng các cơ sở vẫn chưa có những giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục tận gốc tình trạng trên.
Thực trạng đáng báo động
Qua khảo sát tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã ghi nhận thực tế tại Khu đô thị Vân Canh có hàng chục căn biệt thự, liền kề xây dựng không đúng quy hoạch và thiết kế cơ sở đã được duyệt. Nhiều căn nhà, lô đất bất đắc dĩ biến tướng thành các khu nhà trọ nhếch nhác, gara ô-tô, hàng quán tạm bợ “ba không”: Không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy – Không an ninh trật tự - Không đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Điển hình các công trình trong Khu đô thị Vân Canh được xây dựng vượt tầng, hợp thửa, biến đổi công năng, mục đích sử dụng như: Tại lô biệt thự 05 và 06 BT13 đã được hợp thửa đưa vào sử dụng. Tại lô biệt thự số 20 - BT8, biệt thự 19-BT7, biệt thự 16-BT11, biệt thự 17-BT10 đã được xây cơi nới thêm tầng phá bỏ toàn bộ thiết kế bên ngoài…
Lô biệt thự 05 và 06 BT13 đã được hợp thửa đưa vào sử dụng. |
Bên cạnh đó, những khu nhà liền kề tại Khu đô thị Vân Canh. tình trạng cơi nới thêm tầng diễn ra phổ biến. Các công trình xây dựng từ 4-5 tầng không còn mới lạ tại khu đô thị này như: Số 1 LK36; Số 16 LK28; Lô 35 LK27….
Theo quy hoạch đô thị tại Khu đô thị Vân Canh được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) phê duyệt từ năm 2008. Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD). Các công trình riêng lẻ (biệt thự, liền kề) và chung cư thuộc dự án được chủ đầu tư xây dựng, hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng từ khoảng năm 2012 đến năm 2018. Các loại hình nhà ở tại Khu đô thị Vân Canh bao gồm: Nhà liền kề có diện tích phổ biến từ 100 m2 đến 114 m2, mật độ xây dựng 75%, xây dựng 3,5 tầng. Đối với nhà biệt thự đơn lập và song lập: diện tích phổ biến từ 280 m2 đến hơn 300 m2, mật độ xây dựng từ 35% (biệt thự song lập) đến 45% (biệt thự đơn lập), cao 2,5 tầng (biệt thự song lập); 3.5 tầng (biệt thự đơn lập).
Những công trình nhà liền kề thay đổi thiết kế vẫn “mọc” lên như nấm sau mưa tại Khu đô thị Vân Canh |
Chưa dừng lại ở việc “băm nát quy hoạch đô thị” một thực trạng đáng báo động tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức là hàng loạt chung cư mini, nhà nghỉ, nhà trọ được xây dựng đưa vào sử dụng tại khu 6,7 ha, xóm 14 thôn Hậu Ái, xóm 1 thôn An Trai với quy mô hàng chục căn hộ chia nhỏ cho thuê, có dấu hiệu xây dựng sai quy hoạch với chiều cao số tầng từ 7-8 tầng.
Tại lô biệt thự số 20 - BT8, biệt thự 19-BT7, biệt thự 17-BT10 đã được xây cơi nới thêm tầng phá bỏ toàn bộ thiết kế bên ngoài … |
Qua quan sát cho thấy, các tòa nhà được cho thuê với nhiều mức giá khác nhau từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng, 5 triệu đồng/tháng tuỳ theo diện tích các phòng được chia nhỏ từ 15 m2 - 2 5 m2 – 30 m2, 40 m2. Ngoài ra, khách thuê trọ sẽ phải trả tiền điện 3.500 đồng/số, nước 30.000 đồng/khối/tháng, vệ sinh 30.000 đồng/người/tháng, mạng wifi 50.000/người/tháng.
Tại các tòa nhà chỉ có một số bình chữa cháy, hệ thống thang thoát hiểm gần như không có công năng. Điều đáng nói là những tòa nhà chung cư mini đã được ẩn mình dưới dạng nhà ở riêng. Vậy liệu công năng sử dụng nhà ở riêng lẻ có đảm bảo vấn đề rác thải, phòng cháy chữa cháy? Việc kinh doanh mô hình chung cư mini được chủ nhà thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước như thế nào?
Các tòa chung cư mini tại xóm 14 thôn Hậu Ái (xã Vân Canh) được cho thuê với nhiều mức giá khác nhau từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng, 5 triệu đồng/tháng tuỳ theo diện tích các phòng được chia nhỏ từ 15m2 - 25m2 - 30m2, 40m2. |
Đặc biệt, tại xóm 14 thôn Hậu Ái, xã Vân Canh hàng loạt tòa nhà được thi công rầm rộ với mục đích đưa vào sử dụng làm “chung cư mini” cho thuê. Theo chia sẻ của một chủ nhà, khi được phóng viên liên hệ qua số điện thoại cho biết, tòa nhà sẽ chính thức vận hành vào tháng 7 năm nay. Nếu khách cần ở gấp có thể được giới thiệu sang các tòa nhà gần đó.
Để làm rõ các vấn đề “nóng” về quy hoạch đô thị tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã có nội dung chi tiết về chuyên đề để trao đổi thông tin. Được biết, ngay sau khi nhận được nội dung làm việc của Tạp chí Sức khỏe và Môi trường thì Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã có Công văn số 1234 ký ngày 30/5 giao UBND xã Vân Canh kiểm tra và làm việc với Tạp chí Sức khỏe và Môi trường.
Nhiều tòa nhà có chiều cao “khủng” được xây dựng vào mục đích làm chung cư mini, nhà nghỉ, nhà trọ tại thôn An Trai (xã Vân Canh) |
Nhưng từ ngày 28/5/2024 đến nay, UBND xã Vân Canh chưa có bất cứ thông tin phản hồi cụ thể nào về thời gian kiểm tra và làm việc với phóng viên. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với người đứng đầu UBND xã Vân Canh là ông Nguyễn Thế Minh nhưng chỉ nhận được lời hẹn sẽ sớm trả lời.
Giải pháp tháo gỡ: Phải chăng trên nóng dưới lạnh?
Thực trạng xây dựng ểvượt chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị hay nhiều công trình nhà ở sau khi hoàn thiện đi vào sử dụng lại được chủ hộ cho khách thuê dưới dạng chung cư mini đang diễn ra nhưng không bị xử lý, sẽ tạo ra tiền đề xấu gây bức xúc trong xã hội. Trong một con ngõ nhỏ, một con ngách sâu “mọc” lên chung cư mini dạng "khủng” có hàng chục căn hộ chia nhỏ thì có thêm hàng trăm con người sinh sống, cư trú thì sẽ có bao mối nguy hiểm đang rình rập cận kề.
Liệu UBND xã Vân Canh có nắm bắt được các vấn đề tồn tại, các vi phạm trong xây dựng, quy hoạch đã và đang diễn ra để xử lý dứt điểm. Trong trường hợp xảy ra các sự cố cháy nổ, gây tổn hại đến sức khỏe đời sống người dân, hay thiệt hại về tài nguyên đất, quy hoạch kiến trúc Thủ đô ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hiện nay việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương được thực hiện theo quy định của pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Nghị định 139/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan khác vẫn đang có hiệu lực thi hành.
Để có chế tài xử lý kịp thời, hiệu quả, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều công văn yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Cụ thể: Ngày 5/4/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản 1448/UBND-ĐT chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng; ngày 17/7/2018, ban hành Văn bản số 3245/UBND-ĐT yêu cầu các UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng…Ngày 25/8/2022, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn.
Trước hàng loạt vi phạm tại xã Vân Canh nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung mong rằng UBND huyện Hoài Đức cùng các cơ quan chức năng liên quan sớm kiểm tra, xử lý quyết liệt. Đồng thời đối với công tác quản lý cần có hình thức xử lý kịp thời những cá nhân, tập thể trong việc buông lỏng quản lý, tránh gây bức xúc trong dư luận, gây ảnh hưởng đến các tiêu chí đưa huyện Hoài Đức phấn đấu trở thành một quận mới của Thủ đô.
Tạp chí Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục ghi nhận, khảo sát và có những nội dung gửi tới các đơn vị cơ quan chức năng để phân tích, phản biện và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Ngày 8/5/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa thành phố Hà Nội xảy ra 387 vụ cháy (3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; 66 vụ cháy trung bình; 318 vụ cháy nhỏ) khiến 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 3,3 tỷ đồng. "Nhiều vụ việc đã được chữa cháy kịp thời theo đúng phương châm "4 tại chỗ", Đại tá Phạm Trung Hiếu nói. Các lực lượng chức năng đã kéo giảm 939 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy hoạt động từ sau khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực, chiếm tỷ lệ 27,2%. Đến thời điểm hiện tại, thành phố còn 2.164 công trình còn tồn tại vi phạm. Về kết quả triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao…Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết, hiện có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ còn gọi là chung cư mini (trong đó có 94 nhà cao trên 28m); 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Đặc biệt, thành phố có 6.644 cơ sở xây dựng sai phép, không phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, khu vực đang bị thu hồi, hành lang bảo vệ đường sắt, lưới điện cao thế, đê, rừng... Lực lượng chức năng đã kiểm tra 6.644 cơ sở, đạt 100%, phát hiện được 12.779 tồn tại vi phạm, xử phạt 265 hành vi, số tiền phạt gần 1,7 tỷ đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ 610 cơ sở; UBND các cấp đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với 705 cơ sở vi phạm xây dựng không phép, trái phép. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, qua phân tích tình hình cháy nổ thời gian qua hết sức phức tạp, đồng thời Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nêu rõ hạn chế trong việc tổ chức thực hiện các kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của thành phố khi nhiều nơi thậm chí còn chưa triển khai dẫn đến công tác này ở cơ sở hiệu quả chưa cao, còn để xảy ra cháy với hậu quả đáng tiếc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị, địa phương phải vào cuộc tích cực hơn, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng tiến độ đề ra. |