Lâm Đồng: “Thần linh” núi rừng có nguy cơ biến mất ?
Bài 1: Lâm Đồng: Rừng nguyên sinh “nguy cơ” bị xâm hại
Các thế hệ người dân dâng hương tạ ơn núi chúa, cầu mong 1 năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi nhưng họ cũng lo lắng rằng liệu về sau các hoạt động này còn được duy trì nữa không khi rừng đã giao cho doanh nghiệp quản lý.
Như Sức khỏe và Môi trường đã phản ánh trong bài trước, “Núi Chúa” khu rừng nguyên sinh trên đang trong giai đoạn hoàn thành việc giao cho một doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái. Đồng nghĩa với việc này là khu rừng sẽ không còn thuộc về người dân ở nơi đây bảo vệ và quản lý nữa, nguy cơ thay đổi kết cấu hiện trạng là hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù cộng đồng người dân thôn 10B đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị xin được quản lý và bảo vệ khu rừng này, trong thời gian chờ đợi phúc đáp từ cơ quan chức năng thì người dân nhận được thông báo là Công ty TNHH Vũ Điệp sẽ là chủ thể quản lý rừng.
Cộng đồng người dân sinh sống gần 30 năm nơi đây không những gắn bó với môi trường trong lành, xanh tốt của cây rừng Núi Chúa mà còn gắn bó với những hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Đúng ngày hôm nay 16 tháng chạp (âm lịch) là ngày lễ cúng tạ ơn rừng “Núi Chúa”. Không những người dân sinh sống xung quanh khu rừng nguyên sinh Núi Chúa mà cộng đồng bà con sinh sống nơi khác đến đây sắp lễ cúng tế thần linh, sơn thần, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống của người dân được bình an, ấm no hạnh phúc. Năm nay để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 Ban tổ chức không mở rộng lễ cúng tạ ơn.
Người dân sắp đồ lễ để chuẩn bị cho lễ cúng tạ ơn rừng Núi Chúa
Ông Nguyễn Văn Hòa, 58 tuổi là người dân sinh sống ở đây lâu năm và cũng là một trong những người có công lớn trong việc bảo vệ khu rừng này nói: “ hằng năm cứ đến ngày này là bà con đông vui hội tụ về đây cùng cúng lễ tạ ơn sơn thần “Núi Chúa”, ngoài ra còn nhiều khách mời là lãnh đạo chính quyền địa phương đến dự, nhưng do năm nay dịch bệnh nên không tổ chức lớn được, ông cũng tỏ ra lo lắng nếu như khu rừng không được bà con dân làng quản lý và bảo vệ mà giao cho doanh nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng, thì cuộc sống sinh hoạt cũng như môi trường sinh thái sẽ bị thay đổi”. Có thể nói rằng, những hoạt đồng này có thể minh chứng cho sự ý thức bảo vệ thiên nhiên môi trường sinh thái của bà con nơi đây là vô cùng lớn. Họ cũng nhận thức được khu rừng này có vai trò và ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với cuộc sống của người dân nơi đây.
Chúng ta biết rằng, rừng nguyên sinh trong quá trình phát sinh chưa bị tác động của con người. Nó chứa đựng các hệ sinh thái căn bản cốt lõi lâu dài của hệ thực vật trên cạn, góp phần bảo tồn và duy trì cân bằng sinh thái lâu năm, giữ nước, điều hòa khí hậu, làm sạch không khí. Rừng nguyên sinh chứa các hệ sinh thái tổng hợp bao gồm nhiều mạng lưới chuỗi thức ăn và tác động tương tác của nhiều loại hoang dã. Rừng nguyên sinh ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ nghiên cứu bảo tồn sinh học và hệ sinh thái.
Hiểu rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của khu rừng nguyên sinh nơi đây, bà con luôn luôn ý thức bảo vệ và chăm sóc rừng rất hiệu quả bằng việc hàng năm trồng thêm nhiều cây xanh, không đốt rừng làm nương rẫy. Việc giao khu rừng này cho một doanh nghiệp quản lý liệu ai dám chắc cánh rừng này sẽ còn nguyên vẹn? Có đảm bảo môi trường sinh thái nơi đây được ví như “lá phổi” và cuộc của người dân liệu có được an toàn? Cuộc sống sinh hoạt tâm linh hàng năm với “lễ cúng tạ ơn rừng Núi Chúa” có được duy trì bào tồn và phát triển?
Người dân cần có những giải đáp cấp thiết từ các cấp chính quyền địa phương về việc này. Thiết nghĩ những việc làm của bà con người dân nơi đây là vô cùng hợp lý và chính đáng. Vì những người dân nơi đây không chỉ bảo vệ rừng nguyên sinh, bảo vệ môi trường ở hiện tại, mà còn bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai. Nếu không bảo vệ được môi trường sinh thái, không bảo vệ được khu rừng nguyên sinh quý giá này thì có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ phải trả giá bằng một thế hệ liệu có tốt hơn môi trường tự nhiên hay không?...
Nhóm PV