Làm gì để lễ hội trở thành sản phẩm du lịch chủ lực?
Khi lễ hội chỉ là “gia vị”
Nam Định được xem là địa phương “giàu có” về tài nguyên du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa với hơn 100 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội nổi tiếng như Hội chợ Viềng, Lễ hội đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, đặc biệt là Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016.
Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và những lễ hội đa dạng như thế, nhưng ngành du lịch Nam Định nhiều năm nay vẫn cứ loay hoay đi tìm sản phẩm đặc thù. Khách đến với Nam Định chủ yếu tập trung vào dịp lễ hội đầu năm với xu hướng đi “lễ” là chính, “hội” là phụ, chi tiêu rất thấp và gần như không lưu trú qua đêm.
Đó không chỉ là thực trạng riêng của Nam Định mà là của nhiều điểm đến lễ hội khắp Việt Nam.
Theo thống kê, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội truyền thống, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Phong phú là vậy, song đa số lễ hội mới chỉ được tổ chức tập trung vào dịp đầu năm, khách đến chốc lát rồi về, dịch vụ nghèo nàn nên không thể hấp dẫn du khách vui chơi dài ngày, kích thích chi tiêu. Tới các lễ hội, thấy khách quốc tế vô cùng ít ỏi.
Nếu nhìn vào những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu của những lễ hội nổi tiếng trên thế giới như: Carnival ở Rio de Janeiro đem về cho Brazil khoảng hơn 6 triệu đô la doanh thu trong một tháng; Oktoberfest mang về hơn một tỷ Euro cho thành phố Munich (Đức) trong hai tuần lễ hội hay Lễ hội té nước -Songkran Festival thu về cho Thái Lan hơn 15 tỉ bath (tương đương 427 triệu USD) mỗi mùa… thì ai cũng thấy rõ ràng Việt Nam đang để lãng phí một nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá.
Mở cửa lễ hội, đánh thức “mỏ vàng bị bỏ quên”
Tiềm năng thì đã rõ, nhưng đánh thức bằng cách nào khi ngân sách nhà nước, nguồn lực của ngành không đủ mạnh? Cái cách mà Đà Nẵng, Quảng Ninh xã hội hóa, mở cửa mời gọi doanh nghiệp đầu tư nâng tầm các lễ hội đã và đang là câu trả lời thiết thực nhất cho băn khoăn đó.
Với sự chung tay của Tập đoàn Sun Group, từ năm 2017, Đà Nẵng đã nâng tầm Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế từ hai ngày thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF- kéo dài 2 tháng với những đêm pháo hoa đỉnh cao, những tiết mục nghệ thuật mãn nhãn, những đêm diễu hành carnival đường phố đầy hấp dẫn cùng nhiều sự kiện đồng hành tưng bừng, sôi động.
Ngay mùa đầu tiên, năm 2017, DIFF đã góp sức gia tăng 34,5% lượng khách trong hai tháng hè, nâng tổng lượt khách đến với Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2017 lên hơn 3,2 triệu lượt, tổng thu du lịch cán mốc 9.500 tỷ đồng.
Bước sang năm thứ hai, DIFF 2018 đã góp phần đưa Đà Nẵng đứng đầu danh sách điểm đến được yêu thích nhất trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và là Lựa chọn số 1 của du khách Việt trong dịp hè 2018 theo đánh giá của Trang web đặt phòng trực tuyến Agoda. Hai tháng diễn ra lễ hội, DIFF 2018 đã góp phần mang về cho Đà Nẵng 1.581.558 lượt khách, tăng 25,54% so với cùng kỳ. Công suất phòng khách sạn trong thời gian diễn ra lễ hội luôn đạt từ 70-90%, dù Đà Nẵng đã có thêm 7.355 phòng khách sạn so với năm trước.
Nhận định về Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng- DIFF 2018, ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Sở Văn hóa & Thể Thao Đà Nẵng nói: “Đây là sự kiện văn hóa giải trí du lịch đặc sắc, góp phần đáng kể trong việc thay đổi bộ mặt của du lịch Đà Nẵng, biến thành phố trở thành một điểm đến tưng bừng, rực rỡ suốt hai tháng hè với các đêm trình diễn pháo hoa, nghệ thuật và nhiều sự kiện đồng hành hấp dẫn như Carnival đường phố”.
Cùng với Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng đã tạo tiếng vang lớn trong năm nay, với việc đổi mới Carnaval Hạ Long từ một sự kiện chỉ kéo dài 1 ngày thành lễ hội kéo dài một tuần với nhiều hoạt động thú vị. Đêm 28/4, tại Quảng trường Sun Carnival Hạ Long, khán đài hơn 6000 người không một chỗ trống. Một sân khấu hoành tráng, dàn nghệ sĩ tên tuổi cùng những màn trình diễn nghệ thuật không thể ấn tượng hơn đã khiến đêm chính Carnaval Hạ Long 2018 cuốn hút đến phút cuối cùng.
530.000 lượt khách đã đến Hạ Long trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Đóng góp vào con số đó không thể không nhắc tới sức hấp dẫn của Carnaval Hạ Long 2018, sự kiện được chính người dân bản địa đánh giá là hấp dẫn nhất và có quy mô lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Không ai khác, chính Sun Group đã được giao gánh phần trách nhiệm tài trợ chính và thực hiện lễ hội này.
Mở rộng cánh cửa xã hội hóa các lễ hội lớn, chọn nhà đầu tư có tâm và có tầm để cùng chung tay gánh vác, nâng tầm lễ hội, các điểm đến hàng đầu Việt Nam đang chứng minh họ hoàn toàn có thể đi bằng hai chân trong làm du lịch, chứ không chỉ đơn thuần trông chờ vào những nguồn tài nguyên duy nhất từ tự nhiên.
PV